Tiến sĩ 38 tuổi trộm tiền trong trường đại học; Phan Công Khanh ‘cầm cố xe McLaren 10 tỷ đồng của người khác để lấy tiền’… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 11/7/2023.
Tóm tắt nội dung
Giá xăng E5 RON 92 giảm, xăng RON 95 tăng
Theo kế hoạch, liên Bộ Công Thương – Tài chính tiến hành điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ vào chiều nay (11/7).
Theo đó, cơ quan điều hành quyết định giảm 60 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, trong khi đó xăng RON 95 tăng 70 đồng/lít. Theo đó, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 20.410 đồng/lít và xăng RON 95 là 21.490 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu được điều chỉnh tăng mạnh hơn xăng trong đợt điều hành này. Cụ thể, giá dầu diesel tăng 450 đồng, lên 18.610 đồng/lít.
Tiến sĩ 38 tuổi trộm tiền trong trường đại học
Chiều 10/7, Công an TP. Thanh Hóa cho biết đơn vị này vừa bắt giữ ông Đỗ Ngọc Hà, 38 tuổi, trú tại thị trấn Triệu Sơn (Thanh Hóa), trình độ tiến sĩ, công tác tại Trường đại học Hồng Đức, để điều tra về hành vi “trộm cắp tài sản”.
Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan công an, tối 23/6, tại phòng kế toán Trường đại học Hồng Đức ở phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa xảy ra vụ trộm cắp tài sản.
Ban đầu, cơ quan cảnh sát điều tra xác định nghi phạm là ông Đỗ Ngọc Hà – tiến sĩ đang công tác tại Trường đại học Hồng Đức.
Do nợ nần, ông Hà đã chuẩn bị máy cắt khóa, búa, tuốc nơ vít để ở phòng làm việc. Lúc 21h30 ngày 23/6, lợi dụng mưa to, khu nhà nơi ông Hà công tác không có người qua lại, ông Hà đã phá khóa cửa phòng kế toán lấy trộm 128 triệu đồng, 1 máy tính, rồi thuê xe ôm đến nhiều địa điểm khác nhau để tiêu hủy vật chứng.
Số tiền mặt lấy trộm được nêu trên, ông Hà đem đi trả nợ (đọc toàn bản tin trên báo Tuổi Trẻ Online).
Phan Công Khanh ‘cầm cố xe McLaren 10 tỷ đồng của người khác để lấy tiền’
Ngày 10/7, Phan Công Khanh, 29 tuổi, và Mohamach Da Pha, 27 tuổi, nhân viên Showroom K. Super, bị Công an TP. HCM bắt khẩn cấp để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan điều tra, đầu tháng 3, chị Hương (ngụ quận 7) tin tưởng Khanh là người nổi tiếng nên nhờ bán giúp siêu xe McLaren giá 10 tỷ đồng, do không có nhu cầu dùng đến. Chiếc xe được mang đến Showroom K. Super của Khanh ký gửi, không để lại giấy tờ.
Cảnh sát xác định, cuối tháng 5, Khanh kẹt tiền trả nợ và chuộc ôtô Mercedes G63 (chưa có biển số) đang cầm cố, nên nói chị Hương đưa giấy tờ chiếc McLaren “để khách mua có thể xem, dễ bán”. Nhận giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy đăng kiểm của chị, Khanh chỉ đạo nhân viên là Pha mang đi thế chấp lấy 2 tỷ đồng.
Chị Hương nhiều lần đề nghị trả lại xe và giấy tờ nhưng ông chủ showroom lẩn tránh. Sau khi tìm hiểu, chị biết Khanh đã mang xe của mình đi cầm nên tố cáo với công an.
Bước đầu, Khanh được cho là đã thừa nhận hành vi. Mohamach Da Pha sau đó đến công an đầu thú, khai biết Khanh mang cầm cố xe của chị Hương nhưng vẫn giúp sức. Cảnh sát đã thu hồi chiếc McLaren, đang mở rộng điều tra (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).
Những bị cáo nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ ‘chuyến bay giải cứu’
Sáng nay 11/7, TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử đại án “chuyến bay giải cứu”. 54 bị cáo lần lượt được lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp dẫn giải đến phòng xử.
Khoảng 9h15′, sau khi kết thúc phần thủ tục, đại diện Viện KSND TP. Hà Nội công bố bản cáo trạng của Viện KSND tối cao truy tố đối với các bị cáo.
Vụ án có 21 bị cáo bị truy tố tội nhận hối lộ; 23 bị cáo tội đưa hối lộ; 4 bị cáo tội môi giới hối lộ; 4 bị cáo tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; 2 bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong số trên, 21 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc các bộ, ngành, địa phương bị xác định nhận hối lộ lên tới hơn 500 lần, với tổng số tiền gần 165 tỷ đồng.
Trong đó, bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Dũng được phân công phụ trách, chỉ đạo Cục Lãnh sự – đầu mối tiếp nhận hồ sơ từ các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay. Ông Dũng cũng là người ký văn bản xin ý kiến 4 bộ (Công an, GTVT, Y tế, Quốc phòng) và ký đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch đưa công dân về nước.
Biết điều này, nhiều doanh nghiệp tìm cách tiếp cận để nhờ vả ông Dũng. Từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bị cáo buộc nhận hối lộ 37 lần với tổng số tiền 21,5 tỷ đồng.
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế. Khi làm thủ tục thực hiện các chuyến bay, ông Kiên yêu cầu doanh nghiệp chi từ 50 – 200 triệu đồng/chuyến bay combo hoặc từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng/hành khách.
Viện KSND tối cao xác định, chỉ trong 11 tháng, bị cáo Kiên đã 253 lần nhận tổng cộng 42,6 tỷ đồng của 18 người đại diện các doanh nghiệp. Đây cũng là bị cáo có số lần và số tiền nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao. Bà Lan là người phụ trách chung toàn bộ công việc của Cục Lãnh sự, trong đó có việc xét duyệt danh sách các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay, đồng thời trực tiếp báo cáo với Thứ trưởng Tô Anh Dũng các công việc có liên quan.
Giống với phần lớn các cựu quan chức khác, khi biết cương vị của bà Lan, nhiều doanh nghiệp đã “đi đêm” với bị cáo này. Kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, cựu nữ cục trưởng đã nhận hối lộ 32 lần với tổng số tiền 25 tỷ đồng… (đọc toàn bản tin trên báo Thanh Niên).
Có thể bạn quan tâm: