Có tới hơn 33 nghìn cửa hàng đã tồn tại trong suốt nhiều thế kỷ tại Nhật Bản. Chúng được gọi là “Shinise” hay “cửa hiệu lâu đời”.
Nhật Bản là quốc gia có nhiều thương hiệu doanh nghiệp lâu đời nhất thế giới, như khách sạn Nishiyama Onsen Keiunkan ở Yamanashi, được thành lập vào năm 705. Vậy điều gì đã làm cho các doanh nghiệp Nhật Bản trường tồn bền vững với thời gian?
Luôn tôn trọng yếu tố truyền thống
Câu trả lời thật ra rất đơn giản: Tôn trọng các yếu tố truyền thống; truyền lại doanh nghiệp từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình; duy trì khả năng cạnh tranh cốt lõi và không vội vã “đổi mới”.
Tiệm trà Tsuen Tea là một ví dụ. Cửa hàng có tầm nhìn ra một dòng sông lớn uốn lượn qua vùng ngoại ô bình lặng của cố đô Kyoto. Trong bối cảnh một cố đô nổi tiếng thế giới với những ngôi đền chùa đẹp cổ kính, đây là một quán trà kiến trúc không mấy ấn tượng, chỉ là một nơi ít ồn ào để thưởng trà hoặc ăn kem.
Nhưng có một điều rất đặc biệt của Tsuen Tea: quán trà này đã được hoạt động từ năm 1672 và được ghi nhận là quán trà còn hoạt động cổ xưa nhất thế giới. Người chủ sở hữu hiện tại là một người đàn ông Nhật Bản 38 tuổi tên Yusuke Tsuen; anh đã là thế hệ thứ 24 duy trì công việc kinh doanh này của gia đình.
Yusuke Tsuen ngồi khoanh tay khoan thai trên sàn khi nói chuyện với phóng viên BBC “Chúng tôi chỉ tập trung vào các sản phẩm làm từ trà và không có ý định mở rộng phạm vi kinh doanh. Đó là lý do tại sao chúng tôi có thể tồn tại”.
Duy trì văn hóa truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác
Yusuke Tsuen nói rằng nhiều quán trà trong khu phố cổ của anh cũng tuân theo truyền thống của gia đình như vậy. Họ là những thế hệ trẻ mới đảm trách công việc kinh doanh của gia đình. Đối với Yusuke Tsuen, lựa chọn tiếp nối sự nghiệp của cha ông là điều anh được thấm nhuần từ khi còn bé.
Anh nói: “Đây không phải là một doanh nghiệp mới được tôi khởi nghiệp. Tôi đang điều hành một công việc mà tổ tiên của tôi để lại. Nếu tôi không kế thừa và gìn giữ nó, di sản này sẽ biến mất. Kể từ khi học mẫu giáo và tiểu học, bất cứ khi nào giáo viên hỏi mơ ước của tôi là gì, tôi sẽ lập tức nghĩ đến việc tiếp tục điều hành cửa hàng của gia đình”.
Kính trọng tổ tiên
Yoshinori Hara là Phó giáo sư tại Trường Quản lý kinh doanh thuộc Đại học Kyoto, đã từng làm việc tại Thung lũng Silicon trong một thập kỷ. Ông nhận xét rằng, các công ty Nhật Bản nhấn mạnh vào duy trì tính bền vững, thay vì chỉ đặt tối đa hóa lợi nhuận lên hàng đầu.
Đó là lý do chính tại sao có nhiều doanh nghiệp gia đình, duy trì được sức mạnh qua thời gian. “Ở Nhật Bản, điều quan trọng hơn cả, là cách chúng tôi để lại việc kinh doanh cho thế hệ sau của chúng tôi; cho các con rồi đến các cháu của chúng tôi”, ông Hara giải thích.
Các thành phố, thị trấn ở Nhật Bản có tuổi đời hàng nhiều thế kỷ. Không quá bất ngờ khi có nhiều công ty lâu đời còn tồn tại.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Innan Sasaki tại Đại học Warwick – Anh; thì còn có những lý do khác: “Trông xa hơn, chúng ta có thể nhận thấy rằng do nền văn hóa tôn trọng truyền thống lâu đời và kính trọng tổ tiên. Kết hợp với thực tế Nhật Bản là một đảo quốc, trước đây tương đối ít tương tác với các quốc gia khác; khiến người dân có thói quen duy trì lâu dài những sản phẩm dịch vụ truyền thống ở địa phương”.
Tập trung vào dịch vụ khách hàng
Đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, điều quan trọng nhất là phải chú tâm và duy trì các dịch vụ và sản phẩm đặc trưng của họ; đó là “năng lực cạnh tranh cốt lõi”. Sản phẩm truyền thống, là lợi thế để các cửa hàng Nhật Bản duy trì và phát triển lâu dài.
Tiệm Trà Tsuen trong hàng thế kỷ qua, họ chỉ tập trung kinh doanh các sản phẩm trà của riêng họ. Tiệm không mở rộng phạm vi sản phẩm; và cũng không bao giờ nới lỏng các yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm. Do đó, luôn có một lượng khách hàng cũ trung thành; và khách hàng mới tìm đến tiệm trà; những người đặc biệt yêu thích các sản phẩm truyền thống và dịch vụ chất lượng cao.
Ở Kyoto, các doanh nghiệp lâu đời khác cũng vận dụng nguyên tắc kinh doanh này, để duy trì và phát triển; đặc biệt là hoạt động kinh doanh nhà trọ. Các nhà trọ truyền thống của Nhật Bản đối xử với khách hàng như người trong gia đình. Họ luôn cố gắng nắm bắt những gì khách hàng cần, đó là điều thúc đẩy kinh doanh bền vững.
Năng lực thực sự là khái niệm cơ bản đằng sau những gì một công ty tạo ra; giúp nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tồn tại ngay cả khi thế giới đang đổi mới và phát triển theo xu hướng hiện đại.
Ưa chuộng truyền thống hơn đổi mới
Đổi mới và khởi nghiệp là những mô hình kinh doanh phổ biến ở phương Tây. Tuy nhiên, trong văn hóa Nhật Bản, người dân lại công nhận và trung thành với các “cửa hiệu lâu đời” hơn là mô hình công ty sáng tạo hay đổi mới.
Chủ tiệm trà Tsuen, Yusuke Tsuen nói: “Tôi đã được sinh ra và lớn lên ở đây. Tổ tiên nhiều đời của tôi khởi nghiệp và điều hành tiệm trà này, bây giờ tôi tiếp quản. Mục tiêu của tôi không phải là mở rộng hoạt động; hay biến nó thành một công ty tầm cỡ quốc tế. Điều quan trọng nhất đối với người được kế thừa như tôi, là tiếp tục dùng các phương pháp gia đình truyền thống, để duy trì công việc kinh doanh của tổ tiên để lại”.
Duy trì truyền thống là “mạch sống” của người Nhật Bản; bỏ quên truyền thống nghĩa là bỏ đi cội nguồn của mình. Nguyên tắc bất di bất dịch này đã đi theo người Nhật Bản qua các thế kỷ, xây dựng nên một dân tộc cần cù, chăm chỉ và tôn trọng những giá trị truyền thống.
Xem thêm: