Một luật sư nổi tiếng Philippines đề xuất nước này đặt tên cho các rạn san hô và đảo nhỏ tranh chấp ở Biển Đông nhằm khẳng định chủ quyền của Manila.

Theo BenarNews, cựu Phó thẩm phán Tòa án Tối cao Francis Jardeleza hôm 7/6 cho biết ông đã gửi một lá thư tới Tổng thống Rodrigo Duterte để đưa ra đề xuất này.

Cụ thể: Ông Jardeleza đã đề xuất một dự luật đặt tên cho các rạn san hô và đảo nhỏ riêng lẻ ở quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough.

Như vậy, đề xuất của ông Jardeleza có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo và rạn san hô ở quần đảo Trường Sa. BenarNews cho biết có 128 thực thể địa lý được đề cập trong lá thư.

Lá thư cũng đề nghị xác định 35 đường cơ sở có liên quan, từ đó để xác định lãnh hải 12 hải lý cho chủ quyền của Philippines.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Nhưng 5 chính phủ châu Á khác cũng có tuyên bố chủ quyền trong khu vực; bao gồm: Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.

Quần đảo Trường Sa có hơn 100 đảo. Trong đó có 47 đảo đã bị kiểm soát bởi các bên tranh chấp. Một số đảo và rạn san hô nhỏ được đặt tên theo cụm, chưa được đặt tên riêng lẻ.

Đề xuất đặt tên là nhằm chống lại yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Ông Jardeleza từng là tổng luật sư của Manila trong vụ kiện chống lại yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông. Tòa trọng tài thường trực ở La Hay (Hà Lan) vào tháng 7/2016 đã ra phán quyết bác bỏ cơ sở pháp lý cho yêu sách của Trung Quốc.

Tuy nhiên, từ đó cho đến nay, Tổng thống Duterte liên tục trì hoãn bảo vệ Phán quyết.

Ông Jardeleza nói trên một diễn đàn tin tức trực tuyến: “Hôm nay tôi đã gửi một bức thư cho tổng thống để bày tỏ một số lo ngại rằng 5 năm đã trôi qua và đất nước vẫn còn chia rẽ về phương cách tốt nhất để thực thi Chiến thắng mà Tòa trọng tài đã ban”.

“Dự luật đề xuất đặt tên cho các thực thể riêng lẻ; do đó, nó tạo thành một hành động chủ quyền liên quan đến từng đối tượng địa lý”.

Đặt tên: “Phương cách rẻ tiền mà hiệu quả”

Ông Jardaleza không phải là thành viên của Quốc hội Philippines. Nhưng với tư cách là cựu thành viên của tòa án cấp cao nhất Philippines, ông được coi là một trong những người có thẩm quyền về pháp lý của đất nước.

Philippines không thể sánh với sức mạnh hải quân của Trung Quốc, theo BenarNews. Manila phần lớn đã không thể ngăn chặn các cuộc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của mình và các vùng lãnh thổ có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Nhưng ông Jardeleza cho rằng: Nếu Philippines có thể đặt tên cho các rạn san hô và đảo nhỏ riêng lẻ, thì tức là Manila đã khẳng định được một cách hiệu quả các quyền lợi của mình theo vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).

Vị luật sư nói: “Dự luật này là phương tiện rẻ tiền nhất nhưng hiệu quả nhất để thực thi phán quyết của Tòa trọng tài, và củng cố các quyền lãnh thổ và hàng hải của chúng ta ở Biển Tây Philippines”.

Philippines gọi khu vực phía nam của Biển Đông là Biển Tây Philippines.

Nhưng không cần thiết?

Một người từng tham gia vụ kiện yêu sách của Trung Quốc có ý kiến khác. Cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio nói rằng không cần thiết phải đưa ra dự luật.

Thay vào đó, ông Carpio cho rằng Tổng thống chỉ việc đưa ra tuyên bố là xong.

Ông Carpio nói: “Ông Duterte có thể chỉ cần đưa ra một tuyên bố trên cương vị tổng thống; trong đó liệt kê các thực thể địa theo tên gọi, tọa độ. Điều này sẽ nhanh hơn việc thông qua luật.”

Tuy nhiên giới quan sát cho rằng khả năng ông Duterte đưa ra một tuyên bố táo bạo như vậy là không cao. Sau khi nhậm chức vào tháng 6/2016, ông Duterte thể hiện rõ ý định xây dựng mối quan hệ nồng ấm với Trung Quốc.

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, ông Duterte tới Trung Quốc vào tháng 10/2016. Tại Bắc Kinh, ông Duterte nói Phán quyết Biển Đông chỉ là “mẩu giấy”.