Khi Trung Quốc không còn là một trung tâm sản xuất hấp dẫn, khả năng các công ty nước ngoài rút vốn đầu tư khỏi quốc gia này sẽ rất cao. Khi đó, Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực sẽ có được lợi thế; theo nhà kinh tế học Keun Lee – phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh tế Quốc gia tại Hàn Quốc.

Trong một bài bình luận trên tờ CNA, ông Lee viết: “Đại dịch COVID-19 đã phơi bày vô số điểm yếu của các chuỗi giá trị xuyên biên giới”. Phát triển các công ty xuyên quốc gia, đầu tư nước ngoài đã từng là “xương sống” của toàn cầu hóa. Tuy nhiên, chúng có thể là nguyên nhân gây gián đoạn chuỗi cung ứng trong bối cảnh hiện tại. Do đó, việc cần làm hiện giờ là tái cơ cấu các chuỗi giá trị, tập trung vào khả năng phục hồi.

Các công ty, doanh nghiệp nước ngoài “di dời” khỏi Trung Quốc

Đại dịch covid 19 đang thúc đẩy quá trình số hoá của các doanh nghiệp. Việc số hóa sản xuất ngày càng tăng cùng với căng thẳng thương mại đang diễn ra với Hoa Kỳ cũng góp phần khiến các công ty dần dần rút khỏi Trung Quốc.

Ông Lee nêu ví dụ: Hãng sản xuất bánh mì Hasbro của Mỹ đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc để ưu tiên cơ sở vật chất tại Việt Nam; Hãng điện tử khổng lồ Sony của Nhật Bản đã chuyển hoạt động sang Thái Lan; và Hãng Cotton Club của Hàn Quốc đang chuyển hoạt động sản xuất sang Philippines, Campuchia và Indonesia.

Ngay cả các công ty Trung Quốc cũng đang rời khỏi quê nhà để đến các địa điểm ít tốn kém hơn. Mức lương ở Trung Quốc cao hơn gấp đôi ở Việt Nam và gần bằng 70% ở Hàn Quốc. Tình trạng thiếu lao động cũng gây khó khăn cho việc giảm chi phí sản xuất.

Thị phần của Samsung tại Trung Quốc giảm mạnh

Trung Quốc thường được biết đến với vai trò là một trung tâm sản xuất lớn. Tuy nhiên, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường Trung Quốc từ các nhà sản xuất trong nước đã khiến đất nước này trở nên kém hấp dẫn hơn với doanh nghiệp nước ngoài. Một thập niên trước, điện thoại Galaxy của Samsung chiếm hơn 20% thị trường Trung Quốc; ngày nay, thị phần của nó chỉ còn dưới 0,5%.

Trước xu hướng như vậy, Samsung đã quyết định di dời sản xuất hàng tiêu dùng ra bên ngoài Trung Quốc. Samsung hiện chỉ duy trì ba nhà máy sản xuất ở Trung Quốc. Những nhà máy này sản xuất các bộ phận trung gian – chip bán dẫn, pin cho ô tô điện và tụ điện gốm đa lớp giúp ổn định dòng điện trong bảng mạch.

Hàn Quốc khuyến khích công ty đưa sản xuất về nước

Năm 2019, Hàn Quốc đã sửa đổi thêm “Đạo luật quay đầu” để khuyến khích các công ty của mình đưa hoạt động sản xuất trở về nước. 

Tính đến năm 2020, số lượng các công ty Hàn Quốc đăng ký sản xuất trở lại tại quốc gia này đã lên đến con số 21.

Nhiều công ty cũng đã đóng cửa các dây chuyền sản xuất cũ ở Trung Quốc và xây dựng các “nhà máy thông minh” ngay tại nước nhà.

Trước tình hình dịch bệnh Covid 19, Trung Quốc đã cho ngừng hoạt động sản xuất các bó dây điện của Hyundai Motors. Nhờ chương trình chuyển đổi kỹ thuật số của Hàn Quốc, quá trình sản xuất bó dây điện của Hyundai hiện đang được chuyển giao.

Sự tổn thất của Trung Quốc mang lại lợi ích cho nhiều quốc gia Đông Nam Á

Ông Lee ghi nhận: Việc các nhà máy, xí nghiệp di dời khỏi Trung Quốc và đặt lại cơ sở sản xuất đã giúp các nước ở Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhận được dòng vốn đầu tư “lĩnh vực xanh” cao nhất từ ​​trước đến nay trong năm 2019.

Ông Lee cho rằng: Nếu ASEAN thành công trong việc thu hút các doanh nghiệp tái định cư; sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai của các nước ASEAN sẽ gia tăng đáng kể. Chính phủ các nước ASEAN cần nhận ra và nắm bắt cơ hội này.