Nếu bạn bước vào một cửa hàng bánh rán (Donut) ở California, rất có thể nó thuộc sở hữu của một gia đình Campuchia. Có một đế chế bánh rán được xây dựng bởi người đàn ông tị nạn – Vua bánh rán Ted nhưng rồi ông đã để mất tất cả.

Câu chuyện tình yêu cổ tích của Vua bánh rán Ted

Ted Ngoy là một cậu học sinh trung học ở Phnom Penh. Khi lần đầu tiên, anh để mắt đến Suganthini Khoeun, con gái của một quan chức cao cấp trong chính phủ. Anh nhớ lại. “Cô ấy rất đẹp! Bạn không thể tìm thấy người phụ nữ nào xinh đẹp hơn ngoài cô ấy. Tất cả nam sinh ở trường đều thích cô’.

Ted là một cậu bé nghèo, mang dòng máu lai Trung Quốc đến từ ngôi làng sát biên giới với Thái Lan. Ted nói: “Cô ấy mạnh mẽ, giống như công chúa hoàng gia. Cô ấy bị bố mẹ quản lý chặt chẽ và không có chút cơ hội nào dành cho tôi’.

Nhưng Ted phát hiện ra, căn phòng nhỏ nơi anh ở tầng 4 của một khu chung cư, có tầm nhìn thoáng đãng ra biệt thự của nhà Suganthini. Anh nhận ra một cơ hội cho mình. Mỗi tối, anh ngồi bên cửa sổ thổi sáo. Khi nghe tiếng sáo du dương trong đêm yên tĩnh, mẹ của Suganthini đã nhận xét: Người chơi nhạc chắc phải là đang yêu.

Một đêm, anh nhìn thấy Suganthini trên ban công nhà cô ấy và quyết định đã đến lúc phải ra tay. Ted viết một bức thư, nói với cô rằng anh sống ở tòa nhà đối diện và là người thổi sáo tặng cô hàng đêm. Anh quấn bức thư quanh một hòn đá, có bọc tờ tiền bên ngoài và ném nó xuống nhà cô.

Hành động của Ted không được đáp lại trong nhiều ngày. Nhưng rồi một trong những người hầu của Suganthini xuất hiện trước cửa nhà anh và trao một ghi chú. Ghi chú viết “Tôi đánh giá cao tiếng sáo. Nó thật tuyệt vời và cảm động”. Sau đó, họ bắt đầu giao tiếp qua các thông điệp thư tay…

Một ngày, Ted viết “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi quyết định nhảy vào phòng của bạn”.

Suganthini đáp lại “Hãy cẩn thận! Hoặc cậu không nhảy vào phòng của tôi, hoặc cậu sẽ bị bắt giữ trong phòng của bố mẹ”. Cô nghĩ là Ted nói đùa, nhưng anh ấy rất nghiêm túc. Bất chấp các nhân viên bảo vệ có vũ trang, cùng lũ con chó hung dữ; Một đêm mưa Ted đã trèo lên cây dừa, qua hàng rào thép gai và đi vào bằng lối cửa sổ phòng tắm.

Anh chớp lấy một cơ hội mở một cánh cửa phòng ngủ, nơi có Suganthini đang ngủ say. Anh đánh thức cô dậy, chút nữa là cô hét lên, vừa lúc nhận ra đó là bạn học của mình.

“Cậu đang làm gì ở đây?” cô ấy hỏi.

“Chà, đó là vì anh đã yêu em” Ted trả lời.

“Nhưng chúng ta sẽ làm như thế nào vào buổi sáng? Tôi phải đi học.”

“Đừng lo lắng, anh sẽ trốn dưới giường của em,” Ted nói.

Đó là những gì Ted đã làm. Suganthini mang đồ ăn cho anh vào ban đêm. Sau nhiều ngày, cô nói rằng cô cũng yêu anh. Họ đã lập một giao ước bằng máu, hứa sẽ mãi mãi chung thủy. Ted kể lại anh đã trốn trong phòng của cô ấy 45 ngày, cho đến khi bị phát hiện.

Gia đình của Suganthini kiên quyết tách đôi trẻ, phá vỡ chuyện tình bằng cách nói với cô rằng Ted không yêu cô. Ted đã làm theo lời dặn của cha mẹ cô, nhưng sau đó rút dao tự đâm mình, tuyên bố thà chết chứ không sống thiếu cô.

Trong khi Ted đang hồi phục ở bệnh viện, Suganthini cũng đã có một nỗ lực thuyết phục cha mẹ. Trước sự cương quyết của con gái, gia đình cô đã cho phép đôi trẻ được ở bên nhau. “Đó là một câu chuyện điên rồ, nhưng đó là sự thật,” Ted, hiện nay 78 tuổi nói: “Tôi đã yêu cô ấy thật sự”.

Hoàn cảnh đưa đẩy, Ted trở thành người tị nạn khi đến Mỹ

Họ kết hôn có cuộc sống tốt đẹp cho đến khi cuộc nội chiến nổ ra vào năm 1970, giữa chính phủ và quân đội Khmer Đỏ cộng sản do Pol Pot lãnh đạo. Ted, người nói được bốn thứ tiếng, được anh rể vợ là Tướng Sak Sutsakhan mời làm sĩ quan liên lạc ở Thái Lan. Ngay lập tức Ted có được quân hàm Thiếu tá. Ted và gia đình trẻ của mình chuyển đến Bangkok. Hàng tháng, anh quay trở lại Campuchia để thu, chi tiền cho những người lính quân đội.

Tình hình chiến sự Campuchia ngày càng căng thẳng. Trong chuyến đi cuối cùng của mình, vào tháng 4 năm 1975 khi thủ đô thất thủ, Ted tìm cách trốn thoát trong chuyến bay cuối cùng rời Phnom Penh. Nhưng cha mẹ của Suganthini không thoát kịp. Sau này, cô biết cha mẹ của mình là một trong những người đầu tiên bị Khmer Đỏ hành quyết.

Tháng sau, Tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford khẳng định Hoa Kỳ nên chào đón 130.000 người tị nạn từ Việt Nam và Campuchia. Tổng thống nói “Chúng tôi là một quốc gia, được xây dựng bởi những người nhập cư từ mọi khu vực trên thế giới; và chúng tôi luôn là một quốc gia nhân đạo”.
Ted và vợ đã đến California trên những chuyến bay tị nạn đầu tiên, cùng với ba đứa con của họ, một cháu trai nuôi và hai cháu gái. Gia đình Ted chuyển đến một trại tị nạn được dựng lên vội vã trên một căn cứ huấn luyện hàng hải, trại Pendleton.

Đỉnh cao của thành công, Ted trở thành Vua bánh rán ở California

Để được phép rời trại tị nạn và tìm việc làm, họ cần có một người Mỹ bảo lãnh. Người này sẽ tìm cho họ một công việc và một nơi nào đó để sinh sống. Trong nhiều tuần, Ted nhìn gia đình khác lần lượt được rời đi mà nhà anh chưa có ai bảo lãnh.

Đến cuối cùng, một mục sư từ nhà thờ ở Tustin, Orange County phía nam thành phố Los Angeles đã bảo lãnh cho họ. Ted làm công việc quét dọn nhà thờ, nhưng anh sớm nhận ra thu nhập 500 đô la một tháng không đủ để nuôi gia đình.

Gia đình Ted xin tị nạn ở Mỹ.
Gia đình Ted xin tị nạn ở Mỹ.

Được sự cho phép của mục sư, anh ra ngoài tìm và nhận việc hai ca một ngày. Vừa là nhân viên bán hàng, vừa là nhân viên bán xăng; từ 6h giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Cạnh cây xăng có một cửa hàng bánh rán tên là DK Donuts. Mùi thơm ngon của bánh khi lần đầu tiên nếm thử khiến Ted nhớ đến một thứ ở quê nhà. Đó là chiếc bánh rán chiên cũng hình tròn, được gọi là nom kong.

Cả đêm làm việc, Ted nhìn mọi người ra vào mua cà phê và bánh rán, và anh nhận ra đó là một công việc kinh doanh tốt. Anh hỏi người phụ nữ ở quầy rằng liệu 3.000 đô la có đủ để mua một cửa hàng bánh rán không.

Cô ấy nói rằng nếu thiếu hiểu biết thì cuối cùng anh ấy sẽ phung phí tiền của mình. Thay vào đó, cô ấy giới thiệu cho anh một chương trình đào tạo, được điều hành bởi chuỗi bánh rán Winchell’s. Ted trở thành thực tập sinh Đông Nam Á đầu tiên của họ.

Anh nói “Tôi học làm bánh, lo việc trả lương, dọn dẹp, bán hàng – mọi thứ từ A đến Z”. Một trong những thủ thuật mà anh học được là nướng bánh rán theo từng mẻ nhỏ trong ngày. Vừa để giữ cho chúng luôn tươi, vừa để mùi thơm của bánh tỏa ra giống như một hình thức quảng cáo hiệu quả nhất.

Khi Ted hoàn thành khóa đào tạo 3 tháng, chuỗi Winchell’s đã cấp cho anh một cửa hàng để điều hành trên Balboa Pier; một điểm du lịch ở bán đảo Newport cách không xa Tustin. Vợ anh trở thành gương mặt tươi cười sau quầy, mặc dù cô hầu như không nói được tiếng Anh. Ted trực tiếp nướng bánh vào ban đêm cùng với con trai út của mình, thu dọn cửa hàng…tất tật các công việc. Họ tiết kiệm tiền ở những việc nhỏ nhất, thậm chí rửa và tái sử dụng dụng cụ khuấy cà phê, cho đến khi bị chuỗi Winchell’s khiển trách.

Trong khi đi làm thuê Ted nhận ra cơ hội kinh doanh cửa hàng bánh rán.
Trong khi đi làm thuê Ted nhận ra cơ hội kinh doanh cửa hàng bánh rán.

Gia đình Ted làm việc từ 12 đến 17 giờ mỗi ngày, tất cả đều làm việc trên boong. Vào cuối tuần, những đứa trẻ lớn khi đó đã chín và tám tuổi, do không phải đi học chúng đã giúp đỡ bố mẹ bằng cách rót cà phê, đóng gói bánh rán và gấp hộp. Trong một năm, Ted đã tiết kiệm đủ để đặt cọc vào một cửa hàng bánh rán thứ hai, một cửa hàng “mẹ và con” tên là Christy’s. Khi trở thành công dân Hoa Kỳ, vợ anh đã lấy tên Christy làm tên riêng của mình.

Sau một năm điều hành hai cửa hàng, họ đã tiết kiệm được 40.000 đô la và Ted quyết định mở rộng. Anh ta mua một cửa hàng bánh rán lớn hơn và đề nghị cho một gia đình người Campuchia tị nạn thuê lại cửa hàng ban đầu. Anh đã huấn luyện họ và giao chìa khóa. Ted bắt đầu tìm kiếm thêm các cửa hàng bánh rán để mua và cho những người tị nạn thuê.

Năm 1979 Pol Pot bị lật đổ, kéo theo một làn sóng tị nạn khác của Campuchia. Ted đã bảo lãnh cho họ hàng sang Mỹ. Trong những năm đó, Ted và Christy đã tài trợ cho hơn 100 gia đình. Ted thiết lập các khoản vay, chuỗi cửa hàng bánh rán được mở ra làm kế sinh nhai cho các gia đình tị nạn Campuchia. Ted khuyến khích những người khác cũng làm như vậy. Ted nói: “Nó bùng lên như lửa trên đồi, quá nhanh”.

Vua bánh rán Ted
Ted và gia đình xây dựng chuỗi cửa hàng bánh rán, anh đã trở thành triệu phú.

Cuối cùng, người Campuchia đã sở hữu rất nhiều cửa hàng bánh rán ở California, đến nỗi họ chiếm lĩnh thị trường, đẩy Winchell’s xuống vị trí thứ hai. Đó là điều mà Ted cảm thấy hơi tệ, Ted nói “Họ là một công ty tốt và tôi nợ họ lòng biết ơn, người dân Campuchia nợ họ rất nhiều”.

Năm 1985, sau 10 năm khi đến Mỹ tị nạn, Ted và Christy đã trở thành triệu phú. Họ sở hữu khoảng 60 cửa hàng bánh rán. Ted được biết đến với cái tên Vua bánh rán hay còn gọi là Bác Ted. Cặp đôi có xe sang, mua biệt thự triệu đô có hồ bơi, thang máy và đi du lịch các nơi trên thế giới. “Tôi đã đạt được giấc mơ Mỹ của mình” Ted nói.

Trên đỉnh cao cũng là lúc ông vua bánh rán bắt đầu tuột dốc không phanh

Sự sụp đổ của Ted là Las Vegas, anh nói “Chúng tôi đã hạnh phúc cho đến khi cờ bạc đến tàn phá cuộc đời tôi. Cờ bạc là nỗi buồn, là phần buồn nhất trong cuộc đời tôi”.

Dịp đầu năm mới gia đình Ted đi nghỉ ở Las Vegas, mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp. Họ xem màn ảo thuật do Elvis biểu diễn và thưởng thức sự xa hoa của chốn ăn chơi. Trong một chuyến đi sau đó, Ted đã tham gia vào chơi bài, ngay sau đó anh bị cuốn vào sự hào nhoáng và chất adrenaline.

Ted nói “Trước đây tôi chưa bao giờ đánh bạc. Giống như tất cả những người nghiện cờ bạc trên thế giới, trước tiên bạn ném vào một vài đô la. Khi thời gian trôi qua nó ngấm vào máu của bạn và bạn không thể thoát ra được”. Anh là một tay chơi cao thủ, các sòng bạc đã đưa anh vào các dãy phòng trị giá 2.000 đô la một đêm và cung cấp cho anh vé VIP đến những buổi biểu diễn hay nhất.

Las Vegas; là thành phố đông dân nhất ở tiểu bang Nevada, là thủ phủ của quận Clark, và là một thành phổ nghỉ dưỡng, đánh bạc và ẩm thực nổi tiếng thế giới.
Las Vegas là trung tâm sòng bạc, nơi Ted bắt đầu xuống dốc đế chế của mình.

Anh bắt đầu đến Las Vegas trong nhiều ngày, mất 5.000 đô la, 7.000 đô la một trò chơi. Anh bỏ bê gia đình cũng như đế chế bánh rán của mình. Ted nói: “Tôi không có thời gian để chăm lo cho việc kinh doanh, vì vậy công việc kinh doanh đi xuống. Tôi không có thời gian để mở rộng hệ thống. Đó là một thảm họa”.

Khi Ted chiến thắng, gia đình sẽ vui mừng. Khi thua, anh ta sẽ tấn công, đập phá nhà cửa, đập phá đồ đạc và khiến lũ trẻ sợ hãi. Christy mang theo lũ trẻ đi tìm kiếm anh trong sòng bạc. Ted nhớ mình đã trốn vợ sau máy đánh bạc. Christy luôn tha thứ cho anh, cho đến lúc cô không thể tin anh được nữa.

Một trong số những người anh mượn tiền là người mà anh đã cho thuê cửa hàng bánh rán. Khi bị thua bạc, anh sẽ giao lại cửa hàng cho họ, làm giả chữ ký mà không nói với vợ. Ted nói “Tôi đã trở thành một người đàn ông rất rất tồi, vay tiền hết chỗ này chỗ khác”.

Hai lần Ted gia nhập một tu viện Phật giáo. Anh cạo trọc đầu và đi chân đất 3 tháng ở Thái Lan. Khi trở về thì hốc hác. Nhưng trong vòng vài tuần, anh lại lên máy bay trở lại Vegas. Anh viết trong cuốn tự truyện của mình “Không thể giải thích rằng tiền không liên quan gì. Tôi nghiện cảm giác và tiền chỉ đơn giản là kim tiêm truyền liều thuốc độc”.

Ted và Christy chỉ còn lại một cửa hàng bánh rán để bán. Nhưng những đồng tiền đó cuối cùng cũng bị mất.

Cuộc đời thăng trầm, Vua bánh rán Ted trở về Campuchia

Năm 1993, gia đình Ted chuyển về Campuchia. Họ đã mất ngôi nhà đẹp đẽ cùng chuỗi cửa hàng, nhưng vẫn có đủ tiền để sinh sống tại quê hương. Ted bây giờ có một niềm đam mê mới đó là chính trị.

Campuchia đang có cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên kể từ sau chiến tranh. Ông vua bánh rán muốn ứng cử để giúp xây dựng lại đất nước của mình. Ngoài ra ông lý luận, với tư cách là một chính trị gia, ông sẽ không thể đánh bạc. Vì vậy, ông quyết định thay đổi.

Vào thời kỳ đỉnh cao thành công ở Mỹ, ông là một đảng viên Cộng hòa hăng hái và là một nhà gây quỹ nhiệt tình cho Đảng. Ông đã gặp Richard Nixon cựu tổng thống và các Tổng thống Reagan và George HW Bush. Vì vậy, ông đặt tên cho chính đảng của mình ở Camphuchia là Đảng Cộng hòa Phát triển Tự do.

Cuộc đời thăng trầm của Vua bánh rán Ted
Ted đã có những mối quan hệ với chính khách Mỹ, điều này mở rộng cánh cửa đầu tư nước ngoài cho Campuchia.

Nhưng tên Đảng ông đặt đã gây hiểu lầm cho nhiều cử tri, họ cho rằng ông chống lại hoàng gia Campuchia và ông đã không giành được vị trí. Tuy nhiên, ông được mời trở thành cố vấn chính phủ về thương mại và nông nghiệp. Lấy cảm hứng từ sự thành công về kinh tế của Đài Loan, Ted quyết định vận động hành lang, để Mỹ có quy chế tối huệ quốc. Điều này mở rộng cánh cửa cho đầu tư nước ngoài.

Ông đã tiêu khoảng 100.000 đô la tiền của riêng cùng thời gian và mọi thứ ông có. Ông đã vận động các liên hệ của mình vòng trong của Đảng Cộng hòa, bao gồm cả Thượng nghị sĩ John McCain và quy chế MFN được cấp vĩnh viễn cho Campuchia vào năm 1996.

Khi Ted đắm chìm trong chính trường Campuchia, Christy bay sang Mỹ để sinh con. Trong khi cô ấy đi, Ted đã ngoại tình. Đau khổ vì cho rằng Ted đã phá vỡ giao ước của họ, cô đã đệ đơn ly hôn.
Đến năm 2002 thì Ted bị phá sản. Ông đã dành tất cả tiền của mình vào lĩnh vực nông nghiệp và đã không thành công. Sau đó, ông thất bại với một đối thủ chính trị mạnh mẽ. Ted đã bỏ trốn sang Mỹ vì lo sợ cho tính mạng của mình.

Ông đã hạ cánh ở LA với chưa đến 100 đô la Mỹ trong túi. Gia đình không muốn nhìn thấy ông và không ai mời làm việc. Ông đã đánh mất sự tôn trọng của gia đình và cộng đồng. Đó là một trải nghiệm và là điểm tối trong cuộc đời mình. Nhiều lần ông cố gắng tự tử vì ghét bản thân, ghét cờ bạc, ghét bản thân mình đã đối xử tệ với vợ con, ông hối hận.

Gây dựng lại sự nghiệp nhờ có đức tin

Ông chuyển từ nhà thờ này sang nhà thờ khác, cho đến khi một phụ nữ lớn tuổi người Campuchia cho phép ông sống trên mái hiên của ngôi nhà bà. Vào Chủ nhật hàng tuần, ông đến nhà thờ nơi con trai bà làm mục sư và tham gia học Kinh thánh. Ted trở nên sùng đạo sâu sắc.

Vua bánh rán Ted
Ted đến nhà thờ hàng tuần, ông có đức tin một cách sâu sắc.

Sau gần 4 năm xa xứ, không một xu dính túi Ted bay về Campuchia. Vẫn là người vô gia cư, ông chuyển đến thị trấn ven biển Kep, trên Vịnh Thái Lan. Ông không có cách nào kiếm sống cho đến khi một người Trung Quốc liên lạc đề nghị ông giúp đỡ trong một giao dịch bất động sản. Ted đã thương lượng tốt và có hoa hồng. Nhiều thương vụ mua bán đất diễn ra sau đó và ông giờ đã trở thành triệu phú. Ông tái hôn và có thêm 4 người con.

Sau đó nhà làm phim Alice Gu của LA liên lạc với Ted. Bản thân cô là một đứa trẻ nhập cư, cô đã tò mò tại sao khoảng 80% cửa hàng bánh rán ở California lại do người Campuchia kinh doanh và tại sao lại có nhiều cửa hàng đó đến vậy.

Alice sau bao nỗ lực đã thuyết phục được Ted về lại California để quay phim. Quan trọng nhất, chuyến đi cho phép ông hàn gắn mối quan hệ với vợ cũ Christy (người hiện đã tái hôn) và gặp gỡ những đứa con đã lớn của mình. Ônh cũng xin lỗi nhiều người mà ông ấy đã làm tổn thương.
“Họ hoàn toàn tha thứ cho tôi. Tôi đã nói với họ rằng tôi rất xin lỗi, xin lỗi 1000 lần”. Ted nói: ‘Xin lỗi con trai, xin lỗi con gái, xin lỗi Christy.”

Ông không thể thay đổi được quá khứ, nhưng ông đã học được bài học quá đắt giá!

Video xem thêm: