Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng, dấu chân hóa thạch được phát hiện ở New Mexico, Hoa Kỳ cho thấy con người sơ khai đã đặt chân đến Bắc Mỹ vào khoảng 23,000 năm trước.

Dấu chân đầu tiên được phát hiện vào năm 2009 trên lòng hồ khô cạn ở Công viên Quốc gia White Sands. Các nhà khoa học thuộc Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ gần đây đã phân tích các hạt giống lưu lại trong dấu chân, và xác định rằng những dấu chân này có niên đại từ 22,800 đến 21,130 năm trước.

Phát hiện này có thể làm sáng tỏ bí ẩn mà các nhà khoa học đã quan tâm từ lâu: Sau khi con người từ châu Phi và châu Á phân tán ra khắp thế giới, nhóm người đầu tiên đến định cư ở châu Mỹ là vào thời gian nào?

Phần lớn các nhà khoa học cho rằng, con người sơ khai đã di cư qua cây cầu nối (hiện đã chìm xuống nước biển) giữa châu Á và Alaska. Dựa trên nhiều bằng chứng khác nhau, bao gồm các công cụ bằng đá, xương hóa thạch và phân tích di truyền, các nhà nghiên cứu khác đã đưa ra nhiều khả năng về thời điểm con người đến châu Mỹ, từ 13,000 năm trước đến 26,000 năm trước hoặc sớm hơn.

Tác giả của báo cáo nghiên cứu cho biết, nghiên cứu này cung cấp cơ sở vững chắc hơn về thời điểm con người định cư ở Bắc Mỹ, mặc dù họ có thể đã đến sớm hơn.

Dấu chân hóa thạch được tìm thấy ở New Mexico, Hoa Kỳ. (Ảnh: NPS/AP)
Dấu chân hóa thạch tại Bắc Mỹ được tìm thấy ở New Mexico, Hoa Kỳ. (Ảnh: NPS/AP)

Các nhà nghiên cứu viết trong báo cáo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science rằng, các dấu chân hóa thạch là bằng chứng trực tiếp và không thể chối cãi so với “các hiện vật, xương hoặc các hóa thạch thông thường khác.”

Họ nói: “Những gì chúng tôi trình bày ở đây là bằng chứng phản ánh thời gian và địa điểm xác định.”

Dựa trên kích thước của chúng, các nhà nghiên cứu tin rằng, ít nhất có một số dấu chân là của trẻ em và thanh thiếu niên sống trong Kỷ băng hà cuối cùng lưu lại.

Vào năm 2009, ông David Bustos, người quản lý chương trình tài nguyên của Công viên Quốc gia White Sands đã phát hiện ra nhóm dấu chân đầu tiên ở vùng đất ngập nước cổ xưa. Qua nhiều năm, ông và những người khác đã tìm thấy nhiều dấu chân hơn trong công viên.

Ông nói: “Chúng tôi biết chúng rất cổ xưa, nhưng chúng tôi không thể xác định được niên đại của chúng cho đến khi tìm thấy một số dấu chân có (hạt giống) ở trên.”

Ông Bustos cho biết, do những dấu chân hóa thạch được tổ thành từ cát phù sa mịn và đất sét, chúng vô cùng mỏng manh. Vậy nên, các nhà nghiên cứu phải nhanh chóng thu thập mẫu.

Ông nói: “Cách duy nhất chúng tôi có thể bảo tồn chúng là ghi lại bằng cách chụp thật nhiều ảnh và tạo mô hình 3D.”

Trong các cuộc khai quật trước đó ở Công viên Quốc gia White Sands, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện dấu vết hóa thạch của mèo răng kiếm (Homotherium latidens), chó sói hung dữ (Canis dirus), voi ma mút Columbia và các động vật khác thời Kỷ băng hà lưu lại.

Phát hiện trên đã được các nhà khoa học công bố vào ngày 23/09/2021 trên tạp chí Science.

Dịch từ Associated Press (Christina Larson/The Associated Press)