Site icon MUC News

Giải mã cụm từ ‘tà đạo Pháp Luân Công’

Giải mã cụm từ 'tà đạo Pháp Luân Công' Mê muội, Tin tức mới nhất về, truyền đạo trái phép.

Nhiều nước ghi nhận Pháp Luân Công là tốt. Trung Quốc gọi môn này là "tà đạo". Việt Nam đứng bên nào? (ảnh: Wikimedia Commons).

Cụm từ “tà đạo Pháp Luân Công” xuất hiện trên một số trang tin ở Việt Nam. Thực tế Pháp Luân Công có phải là tà đạo hay không? Về vấn đề này, Trung Quốc bảo “có”; nhiều nước bảo “không”; còn Việt Nam đứng bên nào?

Trang falundafa.org cho biết Pháp Luân Công còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp. Đây là môn tu luyện gồm 5 bài tập và nguyên tắc sống theo “Chân Thiện Nhẫn”.

Tại Trung Quốc, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gọi Pháp Luân Công là “tà đạo”; và đàn áp môn này từ năm 1999 đến nay.

Ở nhiều nước, Pháp Luân Đại Pháp không bị coi là tà. Môn này thường được mô tả là một nhóm “tín ngưỡng”; một môn “tu luyện tinh thần”; và cũng là một nhóm nạn nhân bị xâm phạm nhân quyền ở Trung Quốc.

Nhiều nước xác định Pháp Luân Công không phải tà đạo

Giới chức Canada cho rằng Pháp Luân Công không phải là giáo phái; càng không phải là tà đạo.

CBC đưa tin tòa án Ontario, Canada ngày 27/4/2006 kết luận Pháp Luân Công không phải là một “giáo phái”. Phán quyết khẳng định Pháp Luân Công là một “tín ngưỡng” được bảo vệ theo Bộ luật Nhân quyền Ontario.

Các học viên Pháp Luân Công tại Canada biểu diễn các bài công pháp trên bãi cỏ bên cạnh Tòa nhà Quốc hội Canada ở thủ đô Ottawa nhân ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới 13/5/2015 (ảnh: Minghui.org).

Trong một Nghị quyết năm 2013, Nghị viện châu Âu gọi Pháp Luân Đại Pháp là môn “thực hành tinh thần”. Nghị quyết bày tỏ quan ngại về “nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức do nhà nước hậu thuẫn”; nhắm vào “lượng lớn các học viên Pháp Luân Công” ở Trung Quốc.

Năm 2010, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu đương thời Edward McMillan-Scott, nói: “Tôi đã gặp hàng trăm học viên Pháp Luân Công. Họ không phải giáo phái; không phải tà đạo; không thu tiền; không tẩy não… không có bất cứ đặc điểm nào của tà giáo”.

Chính phủ Anh xác định Pháp Luân Đại Pháp là nhóm nạn nhân bị đàn áp tín ngưỡng ở Trung Quốc.

Tại Úc, nghị sĩ Craig Kelly nói “Pháp Luân Công là tốt” trong một sự kiện năm 2016.

Một điểm hướng dẫn tập Pháp Luân Công tại Đại học Western Sydney, thành phố Sydney, Australia năm 2006 (ảnh: Clearharmony.net).

Tại hầu hết các quốc gia; từ châu Âu đến châu Mỹ, châu Phi, châu Á, châu Úc; đều có thể nhìn thấy các học viên Pháp Luân Đại Pháp tập luyện; hay chia sẻ thông tin tại các khuôn viên công cộng. Những hoạt động như vậy được tổ chức công khai và hợp pháp.

Chính quyền Trung Quốc gọi Pháp Luân Công là tà giáo

Cụm từ ‘tà đạo Pháp Luân Công’ xuất hiện khi nào?

Ban đầu, chính quyền ĐCSTQ ghi nhận Pháp Luân Công giúp nâng cao sức khỏe; cắt giảm y tế cho xã hội, theo luật sư nhân quyền David Matas.

Số người tập Pháp Luân Công nhanh chóng tăng lên tới 70-100 triệu người vào cuối những năm 90. Số lượng này vượt quá số lượng đảng viên ĐCSTQ đương thời. Pháp Luân Đại Pháp yêu cầu học viên không tham gia vào chính trị. Nhưng Giang Trạch Dân, Tổng Bí thư ĐCSTQ khi đó, vẫn coi đây là mối đe dọa cho quyền lực bản thân.

Tháng 7 năm 1999, Giang Trạch Dân ra lệnh đàn áp Pháp Luân Đại Pháp. Vài tháng sau, cụm từ “tà đạo Pháp Luân Công” xuất hiện trong hệ thống tuyên truyền của Trung Quốc. Theo bài báo ngày 9/11/1999 của Washington Post; một nguồn tin từ ĐCSTQ cho biết: “Chính Giang đã ra lệnh gọi Pháp Luân Công là một ‘tà đạo’; và sau đó yêu cầu thông qua văn bản pháp luật về việc cấm các tà đạo”.

Cáo buộc ‘tà đạo’ là một phần của cuộc đàn áp Pháp Luân Công

Giới quan sát cho rằng việc chụp mũ “tà đạo” cho Pháp Luân Công là để tạo lý do cho cuộc đàn áp.

“Việc ám chỉ Pháp Luân Đại Pháp giống như một giáo phái; khiến vấn đề nhân quyền bị xem nhẹ xuống một chút”, theo Tạp chí Phố Wall (WSJ) ngày 14/2/2001.

Bài báo cho biết: “Theo các tiêu chuẩn do các chuyên gia trong ngành thiết lập; Pháp Luân Đại Pháp đạt tiêu chuẩn là một tín ngưỡng, không phải là một giáo phái”.

Giáo sư sử học David Ownby, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á, đại học Montreal, Canada viết rằng việc gán nhãn “tà đạo” cho Pháp Luân Đại Pháp “ngay từ đầu là một trò đánh lạc hướng, được nhà nước Trung Quốc khôn khéo lợi dụng để làm giảm sức hấp dẫn của Pháp Luân Công”.

Vụ tự thiêu giả mạo trên Quảng trường Thiên An Môn

Ngày 23/1/2001, một vụ được gọi là “tự thiêu” diễn ra tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Phân tích kĩ lưỡng video tại Quảng trường cho thấy vụ tự thiêu là dàn dựng.

Video cận cảnh cho thấy người phụ nữ bị đánh rất mạnh vào đầu bởi một người đàn ông mặc áo choàng quân đội; trước sự chứng kiến của cảnh sát Trung Quốc. Nhưng giới truyền thông Trung Quốc lập tức đưa tin “học viên Pháp Luân Công tự thiêu để tự sát”; từ đó tuyên truyền “Pháp Luân Công là tà đạo”.

Một phần video về vụ tự thiêu dàn dựng tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 23/1/2001.

Theo nhà nghiên cứu John Powers, giáo sư về châu Á của Đại học Quốc gia Australia và Meg Y. M. Lee, Pháp Luân Đại Pháp được nhìn nhận phổ biến là một “nhóm khí công phi chính trị”; môn không phải là mối đe dọa đối với chính phủ. Do đó, chiến lược quan trọng nhất trong chiến dịch bức hại Pháp Luân Đại Pháp là thuyết phục mọi người nhìn nhận lại môn này theo các khái niệm tiêu cực như “tà đạo”, “giáo phái” hoặc “mê tín”.

Báo Trung Quốc đăng hàng loạt cáo buộc sai sự thật

Giới truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng tải nhiều cáo buộc nhắm vào Pháp Luân Đại Pháp để mô tả môn này như một loại tà giáo.

Ví dụ, bài báo của WSJ cho biết: “Ngay sau khi nhóm này bị quy là ‘tà đạo’; tờ Nhân dân Nhật báo viết rằng môn này có cấu trúc phân cấp; đứng đầu là người sáng lập Lý Hồng Chí. Ông tẩy não các môn đệ của mình để họ suy nghĩ; hành động; và thậm chí là hy sinh mạng sống của họ theo lệnh của ông’. Tờ báo nói cách tổ chức chặt chẽ đã cho phép ông Lý và các thành viên cốt cán khác kiếm được rất nhiều tiền từ tín hữu; thậm chí 1.400 người trên khắp Trung Quốc đã chết vì tu luyện Pháp Luân Công; và hàng trăm người khác bị ‘đau khổ tâm lý’. Không chỉ vậy, ông còn tạo ra thuyết ngày tận thế có thể khiến cả nhóm tự tử hàng loạt.”

“Không điều nào trong số những điều trên là sự thật”, bài báo của WSJ viết. Nhưng việc tuyên truyền liên tục đã khiến không ít người tin rằng Pháp Luân Công là tà đạo.

ĐCSTQ còn mở rộng quy mô tuyên truyền ra khắp thế giới; thông qua các đại sứ quán và ảnh hưởng ngoại giao. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết ĐCSTQ “tiến hành cuộc tấn công ngoại giao” đối với các nước; nhằm hạn chế sự phổ biến của Pháp Luân Đại Pháp.

Báo Việt Nam đưa tin giống báo Trung Quốc

Ở Việt Nam, một số trang đề cập đến Pháp Luân Đại Pháp giống như giới truyền thông Trung Quốc.

Một số báo Việt Nam dẫn nguyên thông tin tuyên truyền của Bắc Kinh; nói rằng Pháp Luân Công nằm trong danh sách “các tà giáo gây hại nhất”. Có báo mô tả môn này yêu cầu học viên “có bệnh không cần uống thuốc”; “tự hủy hoại bản thân; thậm chí dẫn dến tự sát”; “giết người”…

Ngược lại, các bài báo này tránh đề cập đến sự phổ biến của Pháp Luân Công trên thế giới; cũng không đề cập đến chia sẻ của các học viên về lợi ích của Pháp Luân Công.

Một số bài còn đưa tin nhầm lẫn về một số vụ việc gây rúng động xã hội; từ đó nhấn mạnh cụm từ “tà đạo Pháp Luân Công” trong tâm trí độc giả. Ví dụ:

Vụ Trần Minh Minh ở Ohio, Mỹ năm 2017

Trần Minh Minh (Chen Ming Ming) nhập cảnh trái phép vào Mỹ; xin tị nạn với tư cách là học viên Pháp Luân Công bị đàn áp ở Trung Quốc.

Mỹ có chính sách tiếp nhận các học viên Pháp Luân Công bị đàn áp; nhưng chính phủ Mỹ đã từ chối đơn xin tị nạn của Minh. Lý do là có “những điều không nhất quán trong câu chuyện của cô”, theo Times Reporter. Tờ báo này cho biết các học viên Pháp Luân Công ở Ohio nói họ không biết Trần Minh Minh; và “nghi ngờ liệu cô có thật sự tu luyện môn này hay không”.

Như vậy không có thông tin nào xác nhận Trần Minh Minh là học viên Pháp Luân Công. Nhưng khi xảy ra vụ án Trần Minh Minh giết con gái tại Ohio năm 2017; một số trang tin Trung Quốc, Việt Nam lập tức dùng vụ án này để tuyên truyền “học viên Pháp Luân Công giết người”.

Vụ án Trần Minh Minh: Không có thông tin xác nhận Trần Minh Minh là học viên Pháp Luân Công. Nhưng báo Trung Quốc (bên trái) và báo Việt Nam (bên phải) dùng vụ án này để công kích Pháp Luân Công là “tà đạo” (ảnh chụp màn hình).

Phỏng vấn học viên Pháp Luân Công Việt Nam về cáo buộc ‘tà giáo’

MUC News gần đây đã phỏng vấn một số học viên Pháp Luân Công ở Việt Nam. Anh Phạm Bá Long (48 tuổi), nói rằng những thông tin cho rằng Pháp Luân Đại Pháp là tà, thực ra là do “tuyên truyền một chiều từ Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

“Chân Thiện Nhẫn làm sao có thể là tà giáo được? Chân là tu Chân dưỡng tính, nói lời Chân, làm điều Chân. Tôi đọc trong sách (Pháp Luân Công) thì tôi hiểu sách dạy như thế. Thiện là làm việc Thiện, không làm việc ác… Nhẫn là ai đánh mắng mình thì mình cũng nhẫn…”

Anh Long cho biết: “Tôi không làm những việc xấu như ngày xưa nữa. Như thế thì làm sao có thể là tà giáo được?”

Các học viên Pháp Luân Công Việt Nam nói môn này không phải tà đạo.

Rốt cuộc Pháp Luân Công có phải tà đạo không?

Luật sư Nguyễn Xuân Chiến, nguyên phó trưởng khoa lý luận cơ bản, Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm soát tại TP.HCM, cho biết: “Theo quan điểm của tôi, khái niệm ‘tà đạo’ mà gắn cho Pháp Luân Công là hoàn toàn không đúng”.

Vì thứ nhất, trên thực tế Pháp Luân Công là một pháp môn tu Phật; dạy con người hướng thiện; để trở thành người tốt; tốt hơn nữa trong xã hội theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn. Đó là những nguyên lý tuyệt đối chân chính trong cuộc sống của con người. Cho nên bất kể một cá nhân hay tổ chức nào nói rằng Pháp Luân Công là tà đạo; thì hoàn toàn là vu khống, không có căn cứ pháp lý.

Các luật sư Việt Nam nói về Pháp Luân Công từ góc nhìn luật pháp.

“Thứ hai, về mặt pháp lý thì Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản số 896 ngày 22/8/2014; nói rõ rằng Pháp Luân Công ở Việt Nam không phải là một tổ chức tín ngưỡng tôn giáo; mà chỉ là một môn rèn luyện sức khỏe và tinh thần. Và trong ý 2 có nêu rõ là tránh sử dụng thuật ngữ ‘đạo’ hay ‘tôn giáo’; khi đề cập hay giải quyết các vấn đề liên quan đến Pháp Luân Công.”

Do vậy, cụm từ “tà đạo Pháp Luân Công” xuất hiện ở một số trang web có lẽ chỉ là cách hiểu của một số người nào đó. Để có thể thực sự kết luận về một pháp môn, cần có cách nhìn ở nhiều phương diện.