Sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc đã khiến các lò hỏa táng phải hoạt động suốt ngày đêm để đối phó với dòng thi thể đổ về liên tục, theo The Epoch Times.
Giá vật tư y tế đã tăng chóng mặt trong khi bệnh nhân phải vật lộn để có được giường tại các bệnh viện đang quá tải, nơi các bác sĩ và y tá vẫn phải làm việc dù bản thân họ cũng bị nhiễm COVID-19.
Đối với nhiều người, lựa chọn duy nhất để bảo vệ bản thân sau khi nhiễm virus là ở nhà.
Sự tuyệt vọng đang bao trùm khắp Trung Quốc mang một nét tương đồng kỳ lạ với những gì xảy ra gần ba năm trước, khi đại dịch COVID-19 lần đầu tiên bùng phát ở nước này. Việc chế độ cộng sản đột ngột từ bỏ các biện pháp phòng chống dịch hà khắc từng khiến hàng trăm triệu người bị giam hãm trong nhà, khiến các ca bệnh lại tăng vọt, gây căng thẳng cho cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, vốn không được chuẩn bị đầy đủ cho những gì sắp xảy ra.
Các lò hỏa táng quá tải đến nỗi không thể tiếp nhận xác chết vào ngày người này qua đời, thậm chí là cả ngày hôm sau.
“Chúng tôi không thể làm gì được. Có quá nhiều người chết,” một chủ nhà tang lễ giấu tên tại Thẩm Dương, thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh, nói với The Epoch Times.
Một nửa số nhà tang lễ ở những nơi khác cũng xác nhận danh sách chờ đợi dài dằng dặc.
“Tôi đã không ngủ trong suốt 20 tiếng,” một nhân viên tại Nhà tang lễ Trường Bình ở Bắc Kinh, một trong ba lò hỏa táng được chỉ định xử lý các ca tử vong do nhiễm COVID-19 trong thành phố, nói với The Epoch Times vào ngày 15/12.
Các đồng nghiệp của anh ấy cũng đang ngã bệnh vì COVID-19. Cơ sở mà anh nói đến đã xử lý khoảng 100 thi thể mỗi ngày, và kín lịch trong 10 ngày tới.
“Nếu người dân chết tại nhà, chúng tôi sẽ không thể đến mang thi thể đi vì không có xe,” anh nói. “Chúng tôi đang giải quyết nhu cầu hỏa táng của toàn thành phố, và có quá nhiều thi thể chờ hỏa táng.”
Trong khi đó, hôm 22/12, Cục Dân chính quận Thông Châu nói với tờ Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh rằng lò hỏa táng của quận đã quá tải.
“Trước đây, khối lượng công việc hàng ngày [của Nhà tang lễ quận Thông Châu] là khoảng 40 thi thể. Giờ đây, các nhân viên phải làm thêm giờ để hỏa táng 140-150 thi thể mỗi ngày,” hãng thông tấn nhà nước này viết, đồng thời cho biết thêm rằng lò hỏa táng đang thiếu nhân viên vì một số đã bị nhiễm COVID.
Cô Lưu, một nhân viên làm việc tại Nhà tang lễ Thông Châu, nói rằng thời gian chờ hỏa táng là bảy ngày và lễ tiễn đưa cũng bị cắt giảm.
Rò rỉ báo cáo có 248 triệu người nhiễm COVID trong 20 ngày
Cảnh tượng mà những nhân viên này mô tả cho thấy sự tương phản rõ rệt với con số tử vong chính thức do chính quyền Trung Quốc công bố, vào ngày 20/12 chỉ ghi nhận 5 trường hợp tử vong trên toàn quốc – tất cả đều từ Bắc Kinh. Còn hôm 22/12, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố tổng cộng 550 ca nhiễm ở Bắc Kinh và không có trường hợp tử vong nào trong ngày. Số liệu chính thức về số ca nhiễm và số ca tử vong của Trung Quốc luôn được cho là không đáng tin cậy, do chế độ này thường xuyên báo cáo thấp hơn mức thực tế bởi nó có thể làm xấu hình ảnh của họ.
Một biên bản bị rò rỉ từ cuộc họp của Ủy ban Y tế Quốc gia hôm 21/12 được lan truyền trên mạng xã hội, tiết lộ trong 20 ngày đầu tiên của tháng Mười Hai, đã có 248 triệu người — chiếm khoảng 18% dân số — có thể đã nhiễm COVID-19. Những ước tính này cho biết, Tứ Xuyên là một trong ba tỉnh có hơn 20 triệu ca nhiễm bệnh, trong khi sáu tỉnh và thành phố khác, trong đó có Bắc Kinh, có từ 10 triệu đến 20 triệu người bị nhiễm bệnh. Bloomberg và các hãng thông tấn khác đã xác nhận những ghi chú này với các quan chức ẩn danh đã tham gia vào những cuộc thảo luận nói trên, theo The Epoch Times.
Ngày 19/12, công an đứng gác bên ngoài một nhà tang lễ ở Bắc Kinh, đẩy các nhà báo ra phía sau bãi đậu xe khi khoảng chục chiếc xe tải nhỏ tối màu tiến vào, dường như đang vận chuyển thi thể. Kể từ đó, các quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia đã làm rõ rằng những người có bệnh lý nền sẽ không được đưa vào số ca tử vong do COVID-19 chính thức.
Các câu hỏi về số người tử vong do virus được đưa ra khi chế độ này tìm cách thoát khỏi hoàn toàn chính sách Zero COVID trường kỳ đã cản trở sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, gây ra vô số đau khổ và căng thẳng tâm lý, đồng thời dẫn đến các cuộc biểu tình trên toàn quốc.
Chỉ trong một tuần, luận điệu của nhà nước Trung Quốc về đại dịch COVID-19 đã thay đổi hoàn toàn: Trước đó chính quyền xem virus này là mối đe dọa chết người, thì gần đây một bác sĩ hàng đầu của nhà nước đã ví COVID-19 với bệnh cảm lạnh thông thường. Nhiều cơ quan chính quyền địa phương hiện đang yêu cầu nhân viên nhà nước đến làm việc nếu họ xét nghiệm dương tính nhưng có triệu chứng nhẹ hoặc không có. Trong khi trước đó những trường hợp dương tính đồng nghĩa với việc bị cấm ra khỏi nhà hoặc bị đưa đến các trung tâm cách ly tập trung.
Tuy nhiên những đảm bảo này đã không chế ngự được những lo lắng của công chúng cả trong và ngoài nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 20/12 cho biết Mỹ hy vọng nhìn thấy Trung Quốc kiểm soát được tình hình dịch COVID-19 và rằng Washington sẵn sàng hỗ trợ y tế.
“Tất nhiên, chúng tôi không muốn chứng kiến sự tang tóc hoặc bệnh tật lây lan ở bất cứ đâu”, ông Ned Price nói trong cuộc họp báo. “Chúng tôi cũng biết rằng bất cứ khi nào virus lây lan rộng rãi ở bất cứ đâu theo cách không được kiểm soát, thì nó có khả năng xuất hiện các biến thể.”
Sự thờ ơ
Một nhân viên nhà ga tàu điện ngầm nói với The Epoch Times rằng một số người già đã chết trên tàu ở Thượng Hải. Còn tại tỉnh Hồ Nam, một cô gái 25 tuổi đã tự dựng lều trên mảnh ruộng của gia đình sau khi xét nghiệm dương tính vì sợ lây nhiễm cho người thân. Một người phụ nữ ở Bắc Kinh đã khóc sau khi đến ba bệnh viện để điều trị cho người cha bị nhiễm bệnh của mình, nhưng được thông báo là không còn giường.
“Trường hợp của cô nghiêm trọng và chúng tôi không thể tiếp nhận,” người phụ nữ họ Đỗ kể lại những gì mà bác sĩ nói với cô trong đoạn video mà cô đăng lên mạng.
“Đừng nói rằng tôi đang lừa cô, thử nhìn xem, đừng nói chúng tôi còn có giường để nằm, chính là xem còn chỗ nào có thể đứng hay không.”
Vị bác sĩ này cũng cho biết có thể có khoảng hơn 10 chiếc giường của những bệnh nhân qua đời vào ngày hôm đó, tuy vậy vẫn không có đủ chỗ cho bố của Đỗ.
Một dấu hiệu cho thấy các bệnh viện đã trở nên thiếu nhân sự như thế nào khi các bác sĩ đã nghỉ hưu đang quay trở lại làm việc. Một người nổi tiếng trên mạng kể lại trong một video trực tuyến rằng cô được một bác sĩ trẻ giúp đỡ sau khi cô bị sốt cao do COVID-19. Vị bác sĩ này, người đang lấy máu của cô ấy, đã ho trong quá trình điều trị. Anh ấy nói với cô ấy rằng anh ấy đã bị ốm năm ngày nhưng không thể nghỉ phép.
Bà Lý, một người dân Thượng Hải, cho biết con trai bà nhiễm COVID-19 sau khi đi công tác về. Bà cố giúp anh hạ sốt bằng cách chườm rượu và chườm đá. Bà nói rằng họ đã không đi bệnh viện để điều trị vì biết rằng sẽ không có thuốc.
Giá của các loại chanh, vốn đang được săn đón nhờ đặc tính kháng khuẩn, đã tăng vọt. Tâm lý hoảng loạn mua hàng tích trữ đã dẫn đến việc thuốc chống viêm và thuốc ho cháy hàng trên một số nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc. Ngay cả trái đào vàng đóng hộp cũng bán chạy vì được cho là có khả năng giúp người ăn giảm lo lắng.
Bà Lý cho biết sự thờ ơ tắc trách này cho thấy ưu tiên của chính quyền nằm ở đâu.
“Nếu họ thực sự quan tâm đến sức khỏe của người dân, thì đây sẽ là lúc các nhân viên y tế mặc áo choàng trắng xuất hiện khắp đường phố, đi từng nhà để phân phát thuốc miễn phí,” bà nói với The Epoch Times. “Nhưng không, lúc mà anh không cần họ, thì họ đá tung cửa nhà anh, còn lúc anh cần họ nhất, thì chẳng thể tìm thấy họ đâu.”
Có thể bạn quan tâm: