Chỉ còn ít ngày nữa là tới Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, thành phố Tây An của Trung Quốc đã bị đóng cửa hoàn toàn vì dịch Covid-19 bùng phát. Quan chức đứng đầu tỉnh này đã ra lệnh cho chính quyền tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh rất khắc nghiệt. Nguyên nhân là Trung Quốc lo ngại rằng dịch bệnh bùng phát có thể ảnh hưởng đến Thế vận hội và làm tổn hại đến hình ảnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Theo một bài phát biểu nội bộ vào ngày 24/12 của ông Triệu Nhất Đức – thống đốc tỉnh Thiểm Tây có thủ phủ là Tây An; phóng viên Rita Li của tờ The Epoch Times thu thập và đưa tin.

“Dịch bệnh bùng phát làm bôi nhọ hình ảnh quốc gia”

Chuẩn bị cho khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh Trung Quốc vào đầu tháng Hai, ông Triệu Nhất Đức nói rằng sự bùng phát của dịch Covid-19 sẽ “tạo ra sự hỗn loạn cho tình hình chung của đất nước và bôi nhọ hình ảnh quốc gia”.

Trong một bài phát biểu trước các quan chức y tế của khu vực, ông Triệu đã ra lệnh áp dụng “các biện pháp cứng rắn nhất” ở Tây An để ngăn chặn sự lây truyền của virus.

Một ngày sau khi 13 triệu cư dân của thành phố này bị cấm vận, các nhà chức trách báo cáo số liệu Covid-19 tồi tệ nhất trong 21 tháng qua. Tuy nhiên, những con số chính thức như vậy có khả năng không phản ánh đúng tỷ lệ lây nhiễm do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bưng bít thông tin tiêu cực để bảo vệ hình ảnh của mình.

Bài phát biểu của thống đốc tập trung vào việc áp dụng các biện pháp “cứng rắn” và “nghiêm khắc” để “chặn chuỗi truyền nhiễm”, đảm bảo “sự ổn định chung” của xã hội. Ông Triệu không hề đề cập đến vấn đề chăm sóc y tế hay động viên tinh thần cho những người đang bị cách ly.

Các nhà kiểm duyệt của Trung Quốc làm mọi cách để trấn áp nội dung bất lợi; mặc kệ  làn sóng phẫn nộ và tuyệt vọng của công chúng

Các biện pháp khắc nghiệt với thành phố Tây An được thực hiện theo chính sách “zero-Covid” (không Covid-19) của ĐCSTQ. Điều này đã gây ra một làn sóng phẫn nộ và tuyệt vọng của công chúng. Người dân đã sử dụng mạng xã hội để nói lên sự bức xúc và khó khăn của họ trong việc tiếp cận nguồn cung cấp thực phẩm và chăm sóc y tế.

“Đã hơn 20 ngày mà chính quyền địa phương chỉ tiếp tế thức ăn một lần — chỉ một lần”, một cư dân mạng viết trong một bài đăng trên mạng xã hội vào ngày 9/1.

Tuy nhiên, các nhà kiểm duyệt trực tuyến của Trung Quốc đã làm mọi cách để trấn áp nội dung tiêu cực bất lợi cho chính quyền.

Vào ngày 5/1, một số người dân địa phương đã nhận được một “thông báo quan trọng” trên WeChat. Nội dung cảnh báo rằng các nhóm trò chuyện của họ đang bị theo dõi, theo ảnh chụp màn hình được chia sẻ với Đài Á Châu Tự do.

Những “tin đồn” và các video liên quan đến bùng phát dịch bệnh đã bị cấm tuyệt đối trong các cuộc trò chuyện. Đồng thời có thông báo rằng nếu có bất kỳ tài khoản nào lan truyền “tin tức tiêu cực” đều sẽ bị tạm ngưng tài khoản.

Ông Lý Lâm Nghĩa – một nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc nói: “Khi ĐCSTQ thúc đẩy các biện pháp ngăn chặn đại dịch cực đoan, họ nghĩ đến hình ảnh của Đảng hơn là tính mạng của người dân”.

Các biện pháp khắc nghiệt của ĐCSTQ, “mạng người rẻ mạt đến vậy sao?

Từ khi bắt đầu đóng cửa vào ngày 23/12, cư dân Tây An đã chia sẻ sự tuyệt vọng và khó khăn do các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của thành phố trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Một phụ nữ mang thai cuối tháng bị sảy thai bên ngoài bệnh viện vào ngày đầu năm mới; sau khi bệnh viện từ chối cho cô nhập viện. Lý do là kết quả xét nghiệm Covid âm tính đã quá hạn vài giờ. Những ca sảy thai khác xảy ra trong hoàn cảnh tương tự và câu chuyện về những bệnh nhân ốm nặng bị từ chối chăm sóc đã được chia sẻ trên mạng xã hội.

Những điều này đã thu hút sự phản đối kịch liệt của công chúng. “Mạng người rẻ mạt đến vậy sao?” một cư dân mạng đã viết trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.

Khi sự tức giận của dư luận dâng cao, các quan chức ĐCSTQ công khai lời xin lỗi hiếm hoi

Vào ngày 6/1, Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan cho biết bà “vô cùng xấu hổ” vì sự cố lần này. Giám đốc ủy ban y tế thành phố – ông Lưu Thuận Trì cũng đã cúi đầu xin lỗi về cách xử lý vụ việc. Thống đốc Triệu cũng kêu gọi các nhà chức trách ưu tiên tính mạng và sức khỏe của mọi người.

Tuy nhiên, cùng ngày, chính quyền Trung Quốc đã cách chức một quan chức chỉ trích các biện pháp khóa cửa hà khắc của chính quyền Tây An trong một bài đăng trên mạng xã hội.

Bài đăng đã thông tin về các trường hợp phản đối kịch liệt lệnh phong tỏa. Trong đó có một thanh niên 31 tuổi đã đi bộ trong giá lạnh suốt 8 ngày đêm để trở về quê hương của mình.  Bài viết này được coi là “tin đồn” và bị xóa khỏi mạng xã hội ngay lập tức.

Trong khi các nhà chức trách Tây An tuyên bố dịch bệnh đã được kiểm soát vào ngày 5/1, một bộ phận cư dân của thành phố vẫn bị khóa chặt. Một số cư dân gần đây đã nói với tờ The Epoch Times rằng họ bị phong tỏa trong nhà khi nguồn cung cấp thực phẩm của họ đang cạn kiệt.