Với việc thời kỳ ân hạn (thời hạn chót để thanh toán khoản nợ) của 2 trái phiếu châu Âu kết thúc hôm Chủ nhật (26/6), Nga lần đầu bị coi là vỡ nợ nước ngoài trong một thế kỷ, theo Bloomberg.
- Trung Quốc tuyên bố ‘sẵn sàng’ cung cấp các bộ phận máy bay cho Nga
- Trung Quốc dùng sòng bạc vươn ‘vòi bạch tuộc’ khắp các quốc đảo Thái Bình Dương
Đến cuối ngày 26/6, Nga vẫn chưa thể trả khoản lãi suất trị giá khoảng 100 triệu USD trước hạn chót, vốn đã được ân hạn một tháng từ ngày 27/5. Đây được coi là động thái cho thấy Nga rơi vào tình trạng vỡ nợ về mặt kỹ thuật, theo Bloomberg.
“Đây là điều rất rất hiếm khi xảy ra, khi một chính phủ có thể trả nợ, nhưng lại bị một chính phủ nước ngoài đẩy vào tình trạng vỡ nợ”, chuyên gia Hassan Malik tại công ty Loomis Sayles (Mỹ) nói.
Phía Moscow phản đối việc sử dụng khái niệm “vỡ nợ”. Theo giới chức Nga, họ có đủ nguồn lực tài chính để thanh toán bất cứ khoản nợ nào, nhưng bị phương Tây chặn không thể thanh toán.
Theo WSJ, tuần trước Moscow thông báo sẽ trả khoản nợ trái phiếu 40 tỷ USD bằng đồng ruble vì lý do “bất khả kháng”.
Hồi đầu tháng 6, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov tuyên bố phương Tây đã ép Nga đến cảnh “vỡ nợ nhân tạo”, theo Tass. “Tôi gọi là nhân tạo, bởi tình huống do họ tạo ra chứ không hề có cơ sở thực tế nào về vỡ nợ của Nga”.
Kể từ sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, nước này đã chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây, khiến Moscow không thể trả lãi suất trái phiếu cho các nhà đầu tư bằng euro hay USD.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hôm 23/6 đã gọi tình huống hiện nay là một “trò hề”, khi Nga có đủ phương tiện và ý chí trả nợ nhờ nguồn tài chính từ xuất khẩu năng lượng.
Thông báo vỡ nợ chính thức thường do các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đưa ra, tuy nhiên lệnh trừng phạt từ châu Âu khiến các công ty này không thể xếp hạng đối với thực thể Nga. Tuy nhiên, các trái chủ có thể đưa ra tuyên bố như vậy khi bên sở hữu 25% trái phiếu nước ngoài thống nhất rằng Nga “vỡ nợ”.
Bloomberg cho rằng các nhà đầu tư chưa nhận được khoản thanh toán từ Nga sẽ không cần phải hành động ngay lập tức. Thay vào đó, họ có thể theo dõi diễn biến cuộc xung đột Nga – Ukraine, và hy vọng các lệnh cấm vận sẽ được dỡ bỏ dần.
“Hầu hết người mua trái phiếu sẽ tiếp tục chờ đợi”, nhà kinh tế Takahide Kiuchi tại Viện Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản) nói.