Đức có thể phải đối mặt với tình trạng mất điện trên diện rộng khi mạng lưới điện quốc gia có nguy cơ sụp đổ trong mùa đông này, do người dân hoảng sợ đã ồ ạt mua máy sưởi điện vì lo ngại nguồn cung khí đốt có thể bị cắt.
600.000 máy sưởi điện đã được bán hết veo
Giới chức châu Âu liên tục cảnh báo về tình trạng khủng hoảng trong mùa đông năm nay và năm sau. Trong khi đó, Đức vẫn đang xoay xở để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng.
Khi nguồn cung cấp củi cũng dần cạn kiệt và đắt đỏ, người dân Đức hiện đang chuyển sang sử dụng lò sưởi điện như một lựa chọn dự phòng để chống đỡ với giá lạnh đóng băng khi nhiệt độ giảm xuống vào mùa đông.
Tuy nhiên, Peter Lautz, giám đốc công ty tiện ích Stadtwerke Wiesbaden Netz, nói với đài truyền hình ZDF rằng, điều này sẽ gây ra tình trạng quá tải cho mạng lưới điện quốc gia.
Khi người dân sử dụng đồng loạt máy sưởi điện vào mùa đông, có thể gây ra tình trạng quá tải lớn vì mỗi chiếc máy sởi có công suất từ 1.000 đến 3.000 watt.
Lấy ví dụ 1 chiếc máy có công suất trung bình là 2.000 watt dùng trung bình khoảng 10 tiếng/ngày (từ 6h tối đến 3h sáng) thì có phép tính là: 2.000 W x 10h = 20.000Wh (tương đương với 20 số điện).
Ông Lautz cho biết: “Nếu tất cả mọi người đều bật quạt sưởi ở nhà, điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ phải tăng gần gấp đôi cấu trúc mạng lưới điện hiện có trên mọi con phố”.
Được biết, 600.000 máy sưởi điện đã được bán chỉ trong nửa đầu năm 2022, tăng 35% so với bình thường, và sẽ còn tăng hơn nữa khi những tháng lạnh hơn đến gần.
20 triệu ngôi nhà ở Đức hiện đang phụ thuộc vào việc chuyển đổi khí đốt sang máy sưởi điện, có thể khiến cơ sở hạ tầng lưới điện của nước này có nguy cơ “vỡ trận”, gây mất điện trên diện rộng.
Martin Kleimaier từ Hiệp hội Kỹ thuật Điện (VDE) cho biết: “Mất điện sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các hộ gia đình tư nhân mà còn ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng của Đức, bao gồm hệ thống thanh toán bằng tiền mặt, mạng điện thoại di động và hệ thống chiếu sáng đường phố. Các mạng này cũng có thể ngừng hoạt động trong một thời gian dài”, theo báo cáo của Remix News.
Giải pháp rõ ràng là chuyển sang hệ thống theo dõi thông minh, có thể được điều khiển từ xa để ngăn chặn sự cố lưới điện.
Đức tự làm khó mình
Giữa cơn khủng hoảng ấy, Phó thủ tướng Đức Habeck tuyên bố nước này sẽ nhất quyết loại bỏ khí đốt Nga và không bao giờ phụ thuộc vào năng lượng giá rẻ này nữa.
Đức đã tự làm ‘khó mình’ khi tự nguyện cắt đứt hoàn toàn khí đốt Nga, cũng như đã ráo riết theo đuổi chính sách Năng lượng Xanh không phù hợp và gây tốn kém trước đó.
Trong khi đó, các quan chức Đức đã bày tỏ lo ngại rằng một mùa Đông “có vấn đề về năng lượng trong trường hợp xấu nhất”, sẽ khiến tình trạng bất ổn xã hội gia tăng, dẫn đến sự phản ứng dữ dội của người dân.
Vì vậy, các nhà lập pháp Đức đang tích cực tìm ra các biện pháp để tiết kiệm năng lượng, từ tắt đèn đường đến hạ nhiệt độ tòa nhà; và họ đang đề nghị dân chúng Đức cắt giảm tiêu dùng ở trong nước.
Do đó, các thành phố trên khắp nước Đức đang có kế hoạch sử dụng các đấu trường thể thao và phòng triển lãm làm ‘không gian sưởi ấm’ vào mùa đông để giúp những công dân không có khả năng chi trả chi phí năng lượng tăng vọt.
Người dân Đức cũng được yêu cầu tắm ít hơn, mặc nhiều quần áo hơn và tránh giặt quần áo cũng như hạn chế dùng xe ô tô của họ thường xuyên.
Liệu những nỗ lực ‘thắt lưng buộc bụng’ đó có thúc đẩy sự đoàn kết hay kích động sự phản ứng của công chúng hay không, tất cả sẽ có câu trả lời vào tháng 11, khi mùa đông lạnh giá đến và các hóa đơn đến hạn.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đưa ra cảnh báo sớm khi tuyên bố trên đài truyền hình công cộng ARD rằng, chi phí sưởi ấm tăng cao là một “thùng thuốc súng đối với xã hội”.
Xem thêm:
Mua rẻ của Nga, bán đắt cho EU: Ai đang hưởng lợi từ khủng hoảng năng lượng toàn cầu?
EU không biết có đủ khí đốt ‘sống sót’ qua mùa đông: Đức chỉ còn 3 tháng tránh thảm họa đen tối