Những người chịu khổ nhiều nhất từ sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông có lẽ là các ngư dân kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá.

Tàu cá Trung Quốc đẩy lùi ngư dân Việt Nam ra khỏi Biển Đông

Hàng trăm tàu Trung Quốc thường xuyên đánh bắt cá trong các vùng biển tranh cấp ở Biển Đông, thậm chí có thời điểm còn xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước như Việt Nam, Philippines.

Thủ đoạn này là nhằm đẩy lùi dần dần ngư dân Việt Nam, Philippines ra khỏi Biển Đông, theo ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

Trung Quốc đang dùng thủ đoạn "lấy thịt đè người" bằng sự hiện diện của hàng trăm tàu thuyền ở Biển Đông (ảnh từ argenports).
Trung Quốc đang dùng thủ đoạn “lấy thịt đè người” bằng sự hiện diện của hàng trăm tàu thuyền ở Biển Đông (ảnh từ argenports).

Ông Poling cho biết: “Bằng cách đặt chúng (các tàu thuyền) ở đó và trải chúng ra khắp các vùng biển xung quanh các rạn san hô mà những nước khác chiếm giữ, hoặc xung quanh các mỏ dầu và khí đốt hoặc ngư trường, họ đang dần dần đẩy người Philippines và Việt Nam ra khỏi” Biển Đông.

Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Brunei và Đài Loan là các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Ngư dân Philippines: Chúng tôi bị dồn vào đường cùng!

Báo DW hôm 26/5 có bài phóng sự ghi lại cuộc sống khó khăn của ngư dân Philippines trước sự bành trướng của Trung Quốc..

Các thành viên của BIGKIS, một nhóm ngư dân từ các tỉnh đánh cá phía bắc Zambales và Pangasinan, cho biết sự hiện diện của tàu Trung Quốc trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines đã cản trở hoạt động đánh bắt của họ.

Vicente Pauan, 35 tuổi, nói với DW rằng những ngư dân như anh đã bị ảnh hưởng bởi sự xâm lấn “hung hăng” của Trung Quốc ở Biển Đông kể từ năm 2012. Khi đó, Bắc Kinh bắt đầu xây dựng các công trình quân sự trên các đảo và đảo san hô trong khu vực.

“Chúng tôi thậm chí không có đủ cá để nuôi sống gia đình. Chúng tôi thua lỗ và nợ nần chồng chất. Chúng tôi sẽ chết đói”, Pauan nói.

Các kế sinh nhai khác như xây dựng đã biến mất vì suy thoái kinh tế do đại dịch kéo dài.

“Ngư dân chúng tôi bị đẩy vào đường cùng. Chúng tôi không chỉ nói về sinh kế, mà còn là quyền được sống”, Ria Teves, chủ tịch của Viện Phát triển Nhân dân, một tổ chức phi chính phủ, nói với DW.

Ngư dân các nước khác bên ngoài khu vực cũng lâm vào cảnh túng khó vì sự hung hăng của Trung Quốc. SCMP có bài cho biết ngư dân Hàn Quốc kêu than: “Hàng trăm tàu Trung Quốc đang đánh bắt cá của chúng tôi”.

Philippines: Đáng buồn vì tổng thống không quan tâm đến ngư dân ở Biển Đông

Hàng năm, Biển Đông có các tuyến vận tải quốc tế trị giá khoảng 3 nghìn tỷ đô la Mỹ. Đây cũng là vùng biển có các ngư trường phong phú.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, mặc dù Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay đã ra phán quyết vào năm 2016 rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Phán quyết được đưa ra sau đơn kiện năm 2013 của chính phủ Philippines. Tuy nhiên, đương kim Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không coi trọng phán quyết này. Ông Duterte nói Trung Quốc đang “sở hữu” Biển Đông.

“Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền. Chúng ta đang tuyên bố chủ quyền. … Trung Quốc có vũ khí. … Chúng ta không có. Đơn giản vậy thôi. … Chúng tôi có thể làm gì?”, ông Duterte nói khi bị chỉ trích rằng không làm đúng mức để bảo vệ chủ quyền của Philippines.

Phó Thẩm phán Tòa án Tối cao đã nghỉ hưu Antonio Carpio công khai kêu gọi Tổng thống rút lại các tuyên bố của mình.

“Ông đang cho phép đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới vào vùng biển của chúng ta trong khi can ngăn ngư dân của chính chúng ta đừng ra biển … Duterte không quan tâm đến ngư dân Philippines”, ông Carpio nói.

“Thật đáng buồn. Tổng tư lệnh của chúng ta, người được giao nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ của chúng ta, lại không muốn bảo vệ quyền chủ quyền của chúng ta”.

Cựu Thẩm phán nói thêm rằng Manila khó có khả năng thách thức Bắc Kinh trong thời gian ông Duterte nắm quyền.