Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) hôm 10/6 đã công bố một báo cáo điều tra về các trại tập trung mà Trung Quốc đã xây dựng để giam giữ những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Báo cáo chỉ ra các hành vi bỏ tù, tra tấn, ngược đãi cả về thể chất và tinh thần, theo Breitbart.

Người Duy Ngô Nhĩ bị ngược đãi cả về thể chất và tinh thần

Tổ chức Ân xá đã thu thập thông tin từ năm 2019 đến giữa năm 2021 để có cái nhìn toàn diện nhất về cuộc sống bên trong các trại tập trung của chính quyền Trung Quốc. Báo cáo cung cấp bằng chứng đáng kể để buộc tội Bắc Kinh đã “bỏ tù, tra tấn và ngược đãi” người dân tộc Duy Ngô Nhĩ.

Báo cáo của Tổ chức Ân Xá bao gồm những lời kể trực tiếp của những người sống sót khỏi các trại cải tạo của Trung Quốc.

Chính quyền Trung Quốc tuyên bố các trại này là “trường dạy nghề” cho người Duy Ngô Nhĩ. Họ gọi chúng là “trường nội trú”. Tuy nhiên, theo mô tả của Tổ chức Ân Xá, các trại tập trung được bao quanh bởi các tháp canh phòng và dây thép gai. Điều kiện sống ở đó rất khắc nghiệt, không có sự riêng tư, ngay cả trong nhà vệ sinh. Các tù nhân không có đủ thức ăn, nước uống, không được tập thể dục, chăm sóc sức khỏe và tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên”.

Báo cáo cũng cho biết các tù nhân bị bắt buộc phải đọc thuộc các bài tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc.

Những người Duy Ngô Nhĩ phải chịu đựng các cuộc tra tấn cả về thể chất lẫn tâm lý. Họ bị đánh đập, bị giật điện, biệt giam, bị tẩy não và bị cưỡng bức phải viết “lời thú tội”. Theo báo cáo, mục tiêu của chính quyền Trung Quốc là buộc người Duy Ngô Nhĩ từ bỏ đức tin đối với đạo Hồi; biến họ thành những người nhiệt thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Các trại tập trung giống như nhà tù, người Duy Ngô Nhĩ không biết bị bắt vì lý do gì

Chính quyền Trung Quốc nói rằng hầu hết người Duy Ngô Nhĩ đều tự nguyện đăng ký vào các trại tập trung để được đào tạo các kỹ năng hữu ích. Tuy nhiên, theo các cuộc phỏng vấn của Tổ chức Ân Xá, nhiều người Duy Ngô Nhĩ bị lôi ra khỏi nhà họ và bị tống vào các trại tập trung.

Họ không biết mình bị cáo buộc “tội gì”; cho đến khi bị buộc phải ký “lời thú tội”. Một số người bị bắt giam chỉ vì họ đi du lịch hoặc giao tiếp với người nước ngoài. Có người bị bắt vì thay đổi địa chỉ cư trú nhưng chưa kịp khai báo.

Báo cáo cho biết các phòng giam quá đông đúc. Cửa phòng giam được trang bị dây xích để khi các tù nhân di chuyển, họ sẽ bị buộc với nhau, “từng người một, như những con chó”. Mọi khoảnh khắc trong cuộc sống của các tù nhân đều bị giám sát chặt chẽ.

“Nó giống như một nhà tù. Bạn thức dậy lúc 5 giờ sáng và dọn giường. Sau đó là lễ chào cờ và ‘tuyên thệ’. Bạn đi đến căng tin để ăn sáng, đến lớp học, ăn trưa, lại đến lớp học; rồi ăn tối và lên giường”, một người bị giam giữ nói.

Các tù nhân phải thức và theo dõi nhau trong hai giờ mỗi đêm. Đèn phòng giam luôn sáng và loa phóng thanh thường xuyên hoạt động. Vì vậy không ai thực sự ngủ được nhiều.

Các “tù nhân lương tâm” không được tự do ngay cả khi được thả

Một tù nhân kể với Tổ chức Ân Xá, rằng anh ta và một bạn tù lớn tuổi bị cai ngục trừng phạt dã man vì cố gắng dọn giường. Họ bị xích vào “ghế hổ” bằng kim loại, một loạt thiết bị tra tấn mà ĐCSTQ thường sử dụng. Chiếc ghế này khiến tù nhân phải ngồi với tư thế gập người trong 5 giờ đồng hồ; mà không có thức ăn, nước uống, cũng không được phép đi vệ sinh.

Một số người sống sót kể lại rằng họ đã bị xích vào ghế hổ trong 24 giờ, hoặc bị treo trên tường; vì những vi phạm nhỏ như đặt câu hỏi trong “lớp học”. Các trại tập trung lớn hơn có “phòng trừng phạt” với 20 ghế hổ trở lên. Tại đó, toàn bộ xà lim có thể bị tra tấn cùng một lúc.

Báo cáo của Tổ chức Ân Xá cho thấy, khi người Duy Ngô Nhĩ được thả ra khỏi các trại tập trung, không có nghĩa là họ có tự do. Bởi vì, Tân Cương đã trở thành một nhà tù lớn hơn với hệ thống giám sát dày đặc và mạng lưới tuyên truyền của ĐCSTQ. Ngay cả sau khi được trả tự do, các cựu tù nhân tiếp tục phải viết thư “thú nhận và tự phê bình”. Họ phải tham gia các lớp học giáo lý, các buổi chào cờ; và tuyên bố trung thành với ĐCSTQ, cũng như ca ngợi hệ thống trại tập trung.

Tổ chức Ân Xá cũng lưu ý, rất khó thu thập các lời chứng thực được trình bày trong báo cáo của mình. Bởi vì chính quyền Trung Quốc đe dọa, giam giữ và tra tấn những cá nhân tiết lộ về tình hình nhân quyền ở Tân Cương.