“Xoay quanh chuyện Niệm Chân Ngôn trong đại dịch, những báo cáo của nhóm chuyên gia y khoa ở Thụy Sỹ hay đại học Stanford mang đến giá trị về khoa học; kèm theo, là câu chuyện về thái độ ứng xử”.
Giới quan sát, người dân chứng kiến những biến động trong đại dịch Covid-19 bình luận.
Tóm tắt nội dung
“Niệm Chân Ngôn” – từ góc nhìn của chuyên gia y tế Thụy Sĩ
Tháng 1 năm 2020, khi thế giới nóng lên bởi virus corona Vũ Hán, một nhóm chuyên gia y tế, nhà khoa học Thụy Sĩ và Đài Loan bắt đầu thực hiện đề tài nghiên cứu liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu là Yuhong Dong – Tiến sĩ Y Khoa chuyên ngành truyền nhiễm, cựu Chuyên gia Khoa học Y tế Cao cấp về Phát triển Thuốc kháng Virus tại Công ty Dược phẩm Novartis Pharmaceutical (Thụy Sĩ); hiện là Giám đốc Khoa học của SunRegen Healthcare AG. Những cộng sự của Tiến sĩ Dong, là trợ lý giáo sư Kai-Hsiung Hsu và Tiến sĩ, diễn giả Margaret Trey.
Đề tài mà nhóm các nhà nghiên cứu toàn cầu này thực hiện là kiểm định xem phương pháp niệm NTW có hiệu quả về mặt thực tế đối với Covid-19 hay không. NTW là viết tắt tên tiếng Anh của chín chữ Chân Ngôn (Nine True Words – NTW) từ môn khí công gọi là Pháp Luân Công. Nhóm nghiên cứu đã bị thu hút bởi từ khi dịch bùng phát, họ đã nhận báo cáo về những bệnh nhân mắc Covid-19 cải thiện đáng kể hoặc hồi phục hoàn toàn sau khi liên tục niệm chín chữ Chân Ngôn (gồm các chữ “Fa-Lun Da-Fa Hao” và “Zhen-Shan-Ren Hao”. Hai cụm từ tiếng Trung này lần lượt có nghĩa là “Pháp Luân Đại Pháp Hảo” và “Chân – Thiện – Nhẫn Hảo”.
Bắt đầu nghiên cứu, Tiến sĩ Yuhong Dong và các cộng sự cẩn trọng tuyên bố rằng, “nghiên cứu không có ý định làm mất uy tín, bài trừ giá trị của các phương pháp điều trị thông thường nào” và “Vì cho đến nay các loại thuốc cũng như vaccine COVID-19 vẫn còn hạn chế, do đó, việc niệm NTW có thể là một lựa chọn có lợi cho bệnh nhân và những người khỏe mạnh có yếu tố nguy cơ, ngoài các biện pháp thông thường” cho các bệnh nhân Covid-19.
“Một lựa chọn có lợi cho bệnh nhân, ngoài các biện pháp thông thường”
Việc nghiên cứu thực hiện từ 01/01/2020 đến ngày 31/05/2020, với 36 bệnh nhân mắc Covid-19, thuộc 6 dân tộc và 6 quốc gia. Đây là các trường hợp có triệu chứng từ nhẹ, trung bình đến nặng. Nghiên cứu bao gồm triệu chứng về hô hấp, sốt, ho, suy hô hấp hoặc khó thở, và/ hoặc các triệu chứng thần kinh và tiêu hóa.
Theo báo cáo, trong số 36 bệnh nhân, 17 người được điều trị y tế hoặc dùng thuốc nói rằng các phương pháp điều trị không hiệu quả hoặc chỉ có hiệu quả ban đầu, sau đó tái phát nhanh chóng hoặc trở nên tệ hơn. Sau khi niệm NTW, tất cả 36 trường hợp đều cải thiện triệu chứng và có 72% trong số đó hồi phục hoàn toàn. Thời gian cải thiện triệu chứng trung bình là một ngày còn phục hồi là ba ngày. Các báo cáo cho thấy rằng những người tiếp xúc với bệnh nhân, sau khi niệm NTW, cũng được bảo vệ và không bị nhiễm virus.
Kết quả phân tích sơ bộ cho thấy các trường hợp nhiễm virus cải thiện đáng kể và nhanh chóng khi niệm Chân Ngôn. “Điều đặc biệt đáng khích lệ là sự cải thiện của 11 trường hợp nặng từ việc niệm NTW”, các nhà nghiên cứu cho biết.
“Niệm NTW rất dễ, an toàn và không mâu thuẫn với bất kỳ phương pháp điều trị thông thường nào. Các nhà nghiên cứu không có ý định bài trừ giá trị của các liệu pháp điều trị thông thường mà là để đánh giá một phương pháp can thiệp bổ sung, thay thế mà 36 bệnh nhân này đã trải qua. Vì cho đến nay các loại thuốc cũng như vaccine Covid-19 vẫn còn hạn chế, do đó, việc niệm NTW có thể là một lựa chọn có lợi cho bệnh nhân và những người khỏe mạnh có yếu tố nguy cơ, ngoài các biện pháp thông thường”, dẫn theo kết luận đề tài của Tiến sĩ Yuhong Dong và các đồng sự.
Sự gợi mở “trong mực thước” của Đại học Stanford
Ngoài nghiên cứu trên, trong địa hạt nghiên cứu khoa học, đáng chú ý khi một báo cáo về việc niệm Chân Ngôn cũng được Đại học Stanford (Hoa Kỳ) đăng tải trên thư viện của trường. Báo cáo này dẫn trường hợp một bệnh nhân 73 tuổi nghi nhiễm Covid-19 đã bình phục hoàn toàn sau khi niệm 9 chữ chân ngôn của Pháp Luân Công.
“Việc đại học Stanford đăng bài cho thấy họ ghi nhận tính nghiêm túc của vấn đề. Tất nhiên, họ mới gợi mở vấn đề và muốn thúc đẩy thêm các nghiên cứu về phương pháp này”, ông Nguyễn Tuấn Dũng, cựu giảng viên Học Viện Hàng Không Oxford (Anh quốc) đánh giá. Theo ông Dũng, các trung tâm nghiên cứu khoa học uy tín như Đại học Stanford sẽ không “liều lĩnh” khẳng định ngay việc niệm NTW hiệu quả tuyệt vời chỉ sau một kết quả nghiên cứu của nhóm khác. Tuy nhiên, họ đã có thái độ “đúng mực và lý trí” khi xử lý vấn đề này.
“Đại học Stanford đã không dùng cây gậy khoa học mà họ có trong tay để vụt vào phương pháp này. Văn hoá của họ tạo nên phong cách không bài xích, cũng không nói cách làm này là mê tín, không có cơ sở khoa học!
Họ có sự thận trọng đúng mực khi xử lý vấn đề học thuật – khoa học; và sự tôn trọng đúng mực đối với niềm tin của người khác”, ông Dũng nói.
Còn với bà Nguyễn Thị Thu Trang – giảng viên đại học ở Hà Nội cho biết, nghiên cứu khoa học của nhóm Tiến sĩ Yuhong Dong và báo cáo của Đại học Stanford thể hiện “sự mực thước và trách nhiệm”.
Bà nói thêm: “Vắc xin và thuốc chữa là những thứ mọi người cần. Ai cũng sốt sắng lắm rồi! Bây giờ có thêm NTW là một phương pháp bổ sung thì càng tốt. Người niệm có thêm niềm tin và sự lạc quan, chứ họ không mất gì (vẫn tiếp cận các phương pháp Tây y và khi cần thì theo chỉ định của bác sĩ như lệ thường). Hơn nữa, phương pháp này đã bước đầu được nghiên cứu, trong tương lai các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm, vậy hiện tại không có cơ sở lý thuyết và cũng không có cơ sở thực tiễn để phủ nhận phương pháp này”.
Nữ giảng viên cho biết, bà đã nghe đến chín chữ Chân Ngôn: “Tôi nghĩ rằng Chân – Thiện – Nhẫn là giá trị phổ quát mà thế giới công nhận, nên nói Chân Thiện Nhẫn hảo là logic, hợp lý. Còn Pháp Luân Đại Pháp theo tôi được biết thì hướng con người đến Chân – Thiện – Nhẫn, vậy nói Pháp Luân Đại Pháp hảo cũng theo đó rất logic, hợp lý. Tôi nghĩ người có thể chân thành niệm NTW nghĩa là họ tin vào sự thiện lương”.
Nữ bệnh nhân người Việt: “Đúng là có hiệu quả thật sự”
Tại Việt Nam, việc niệm chín chữ Chân Ngôn dường như được biết đến nhiều hơn khi đại dịch bùng mạnh vào cuối tháng 4/2021. Trên nhiều trang truyền thông cá nhân hay các trang tin tức, không ít trường hợp kể đã bình phục nhờ niệm Chân Ngôn Pháp Luân Công.
Một trường hợp đã chia sẻ rộng rãi với truyền thông về trải nghiệm bản thân khi niệm 9 chữ Chân Ngôn. Đó là chị H.T.T., sinh năm 1984; là công nhân của Công ty CELink ở Bắc Giang. Giữa tháng 5/2021, chị T. có kết quả xét nghiệm đầu tiên khẳng định dương tính Covid-19.
“Ngày 23/5, mình lại nhận được kết quả xét nghiệm dương tính. Lúc này thì mình thật sự buồn và suy sụp; chỉ muốn chết đi cho xong để không liên lụy đến gia đình, chồng con. Mình suy nghĩ nhiều quá đến nhức cả đầu, không ngủ được; bản thân lại đang bị bệnh mất ngủ 2-3 tháng nay và phải uống thuốc mới ngủ được”, chị T. kể về tâm trạng lúc mới nhận kết quả và đi cách ly, điều trị. Sau đó, chị T. bước vào một cuộc trải nghiệm mà nhiều người cho rằng là “mê tín”.
“Trưa 2/6, sau 5 ngày từ ngày có kết quả chính xác, mình nhận được tin nhắn kết bạn Zalo của một chị ở nhóm thiện nguyện.
Ban đầu mình cũng có suy nghĩ lo sợ nguời lạ kết bạn vì bản thân chồng vừa mới bị lừa mất tiền mua hàng chuyển khoản trên mạng.
Nhưng nhìn chị bạn này có tên Zalo là Thanh Tỉnh, chị ấy nhắn tin là thành viên nhóm thiện nguyện giúp đỡ những người bị nhiễm Covid. Mình nghĩ mình cũng chẳng có gì để họ phải lừa mình nên mình đã đồng ý để chị ấy add mình vào nhóm Zalo. Trong nhóm mọi người chia sẻ rất nhiều link bài viết và video nhưng mình chậm và không xem hết được nội dung, cũng không hiểu nhiều.
Chị Thanh Tỉnh chia sẻ cho mình chỉ cần nhớ niệm 9 chữ “Pháp Luân Đại Pháp Hảo, Chân Thiện Nhẫn Hảo” sẽ giúp mình vượt qua Covid. Và mình bắt đầu niệm.
Ngày đầu mình chỉ niệm 3 lần. Vẫn mất ngủ, suy nghĩ nhiều. Có những suy nghĩ mình không muốn nghĩ tới nó cũng vẫn cứ tới. Mình chia sẻ với chị Thanh Tỉnh, chị ấy khuyên mình niệm nhiều hơn; tắt điện thoại khi ngủ, niệm nhiều lần. Mình niệm và kết quả là đã ngủ lúc nào không hay. Sáng thức dậy thì đã hơn 6h sáng, mọi người đã ăn sáng xong. Thân thể cảm thấy rất nhẹ nhàng. Mình cảm thấy rất tốt và tiếp tục niệm mỗi ngày”.
Những gì xảy ra tiếp theo khiến chị bất ngờ: “Chiều ngày 2/6, các bác sĩ lấy dịch xét nghiệm. Ngày 6/6, mình có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1. Ngày 9/6, tiếp tục lấy mẫu dịch xét nghiệm.
Ngày 10/6, cho kết quả âm tính lần 2. Sáng 11/6, tiếp tục được bác sĩ cho đi lấy mẫu xét nghiệm.
Ngày 12/6, tiếp tục kết quả âm tính lần 3 và được ra viện vào buổi tối và được bác sĩ bệnh viện địa phương đón về cách ly ở địa phương thêm 14 ngày”.
Nữ công nhân này thừa nhận “ban đầu mình cũng không tin lắm đâu”. Nhưng về sau, những chuyển biến ở tự thân đã khiến chị nhắn cho chồng và bảo chồng con (là F1) cùng niệm.
Dẫu vậy, người phụ nữ này cho biết, nhiều người vẫn còn rất dè dặt khi nghe nhắc đến Niệm Chân Ngôn Chín Chữ. “Mình cảm thấy Pháp Luân Công rất tốt và cũng giới thiệu cho nhiều người, các bạn ở khu cách ly. Tuy nhiên mình sợ mọi người nói mình mê tín nên mình cũng không dám nói nhiều.
Mình gửi cho các bạn nhưng các bạn không tin lắm. Mình nghĩ rằng đội thiện nguyện có lòng tốt, trong lúc bệnh dịch đến giúp mình, mình cứ thử xem sao. Bản thân mình đã làm theo mà được trải nghiệm điều kỳ diệu đó. Đúng là có hiệu quả thật sự. Mong mọi người cứ thử niệm 9 chữ “Pháp Luân Đại Pháp Hảo – Chân Thiện Nhẫn Hảo” để trải nghiệm được như mình. Tất cả cũng không mất gì của mọi người, chỉ là chúng ta có niềm tin một chút”, nữ công nhân 37 tuổi chia sẻ.