Sau vụ việc bé gái 3 tuổi thoát chết trong gang tấc khi rơi từ tầng 12A chung cư ở Hà Nội, nhiều phụ huynh cũng đã “nhìn lại” ban công nhà mình và liên hệ các đơn vị lắp đặt lưới an toàn ban công.

Theo báo Zing, sau khi nghe được thông tin một bé gái rơi từ tầng 12A một chung cư ở quận Thanh Xuân, chị Phan Thương, ở chung cư Xa La, (Hà Đông, Hà Nội) không khỏi lo lắng vì nhà chị cũng không có tấm lưới bảo vệ ở ban công.

Sau ngày xảy ra sự việc, chị đã lên mạng tìm đơn vị lắp lưới an toàn ban công. “Nhà tôi ở tầng 20 chung cư, cũng dự định lắp lưới bảo vệ từ lâu nhưng lại quên. Sau sự việc bé gái rơi từ tầng cao, tôi phải tìm người lắp luôn vì nhà có 2 cháu nhỏ hay đùa nghịch”, chị nói và cho biết nhiều nhà hàng xóm của chị cũng lo lắng tương tự.

Thực tế, không chỉ chị Thương mà rất nhiều hộ gia đình sống tại các chung cư trên địa bàn Hà Nội đã liên hệ các đơn vị lắp đặt lưới an toàn ban công. Trên các diễn đàn khu chung cư, các bài đăng tìm, nhận lắp đặt lưới an toàn ban công trở nên nhộn nhịp.

lan can
Ảnh chụp màn hình trên báo Zing.

Bên cạnh đó, trao đổi với báo Thanh Niên, chị Trần Mỹ Liên (34 tuổi) hiện đang sống tại một khu chung cư ở TP. Thủ Đức (TP. HCM), cho biết gia đình chị cũng đang rất lo lắng vì có hai bé nhỏ và đang sống ở trên tầng cao của chung cư.

“Căn chung cư của gia đình tôi có 2 ban công, một cái ở phòng ngủ của tôi và bé gái nhỏ, cái còn lại ở cạnh phòng khách. Ban công ở phòng ngủ thì chồng tôi đã cho bao lưới bảo vệ ngay từ khi mới chuyển đến ở. Dù giăng lưới thì sẽ mất view và không còn thông thoáng nữa nhưng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hai bé, gia đình tôi đều thống nhất là phải lắp đặt”, chị Liên chia sẻ.

Gia đình chị Liên có hai bé, bé trai lớn năm nay 8 tuổi còn bé gái nhỏ vừa lên 3. Chị cho biết, sau vụ việc bé gái rơi chung cư ở Hà Nội, chồng chị từ chỗ làm đã ngay lập tức gọi điện về cho vợ để bàn bạc lắp thêm màng lưới bảo vệ ở ban công lớn phòng khách.

“Ban công lớn ở phòng khách thì trước nay gia đình mình chỉ trồng hoa để che tầm nhìn của các bé và đồng thời nhắc các bé không được leo trèo ở đây. Gia đình mình cũng có đặt một chiếc ghế bành nhỏ để ngồi hóng gió. Sau sự việc của bé gái ở Hà Nội, mình nhìn lại ban công căn hộ thì thấy hơi giật mình. Hai vợ chồng sẽ bàn bạc, sắp xếp lắp thêm màng lưới ở ban công lớn trong thời gian tới” chị Liên cho hay.

Anh Trần Việt Dũng (35 tuổi), hiện đang sống ở một căn hộ chung cư tại TP. Thủ Đức cũng chia sẻ: “Căn hộ của gia đình tôi có 2 ban công và tôi làm màng lưới thép bao kín lại cả 2 ban công đó. Dù sẽ không còn thông thoáng như lúc chưa lắp lưới nhưng để trẻ nhỏ an toàn tuyệt đối thì phải đảm bảo không có kẽ hở nào đủ lớn để trẻ lọt qua. Ngoài ra, khi bé chạy sang nhà hàng xóm chơi, tôi cũng dặn bé tuyệt đối không leo ra ban công và không đùa nghịch gần lan can”.

Lan can ban công chung cư thế nào là đạt chuẩn?

Báo Zing cho biết, theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về nhà ở và công trình công cộng – an toàn sinh mạng và sức khỏe do Bộ Xây dựng ban hành năm 2008, chiều cao tối thiểu của lan can được quy định: Nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng lô gia và sân thượng ở các vị trí cao từ 9 tầng trở lên, chiều cao tối thiểu là 1,4 m.

Với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng, lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua và khe hở không được rộng quá 10 cm.

Với lan can hoặc lô gia được sử dụng bằng vật liệu kính thì kính được bảo vệ bởi vật cố định, đảm bảo chắc chắn, không có khe hở nào nhét lọt quả cầu đường kính 7,5 cm, khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã.