Sau một thời gian thực hiện tự chủ đại học, thu nhập của giảng viên nhiều trường đã tăng vọt. Số giảng viên thu nhập trên 300 triệu/năm ở trường tự chủ tăng 8 lần sau 3 năm, chiếm 5,97%.

Báo cáo của Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tại Hội nghị tự chủ đại học sáng 4/8, cho thấy từ 2018 đến 2021, tổng thu của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) tự chủ đa phần tăng lên; tổng thu ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm; thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh, theo báo Tiền Phong.

Cụ thể, thu nhập bình quân của giảng viên tăng 20,8% đối với giảng viên và của quản lý tăng 18,7%. Báo VTC News cho biết, đến nay, cả nước có 141/232 trường tự chủ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (ảnh chụp màn hình báo VTC News).

Lương giảng viên tăng vọt, nhiều Đại học cũng giàu lên nhờ tự chủ

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, thống kê đối với 23 trường tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, trong giai đoạn 2018-2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%.

Nguồn: Bộ GD-ĐT

Năm 2018, tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 100 triệu/năm chiếm 26,2% trong khi năm 2021 chỉ còn 12,7%; tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 150 triệu/năm 2018 là 57,5% và chỉ còn 46,3% năm 2021. Giảng viên có thu nhập trên 200 triệu/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97% sau 3 năm thực hiện tự chủ (2018-2021).

Trong tốp 5 trường ĐH có tổng thu trên 1 nghìn tỷ/năm có 2 trường ĐH tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP (ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Kinh tế TP.HCM) và 3 trường tư thục tự chủ (Trường ĐH FPT, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Công nghệ TP. HCM). Đáng chú ý, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Kinh tế TP.HCM đều là trường đầu tiên thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77.

Nếu tính danh sách 30 trường có tổng thu cao nhất năm 2021 thì 14 trường trong danh sách các trường thí điểm tự chủ đầu tiên theo Nghị quyết số 77.

Tiền lương, tiền công tăng nhanh gây áp lực tăng thu

Cũng theo Bộ GD-ĐT, đến nay mới chỉ có 32,76% trường ĐH tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 13,79% số lượng trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên.

Nguồn kinh phí chi cho đào tạo hiện nay chủ yếu chi cho con người (tiền lương, tiền công, tiền làm thêm giờ, phụ cấp theo chế độ), chiếm tới 73%. Quỹ lương hàng năm tăng 13% và chi thuê giảng viên tăng 32% cho thấy yêu cầu chi tiền lương, tiền công cho bộ máy và giảng viên tăng nhanh gây áp lực tăng thu, trong khi nguồn ngân sách cấp tăng chậm. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, đây cũng là một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất đối với các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, cơ chế thí điểm tự chủ tạo điều kiện cho các trường chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Các trường cần chủ động trong quản lý, sử dụng các nguồn tài chính để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của trường, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn kinh phí.

Có thể bạn quan tâm: