Giới chức Trung Quốc tuyên bố tên lửa Trường Chinh 5B của nước này đã tan vỡ khi rơi vào bầu khí quyển Trái đất; một phần mảnh vỡ rơi xuống Ấn Độ Dương vào sáng nay (9/5).

Theo ABC, giới truyền thông Trung Quốc trích dẫn thông tin này từ Văn phòng Kỹ thuật Không gian có người lái Trung Quốc.

Đài CCTV của nhà nước Trung Quốc đưa tin: “Mảnh vỡ từ tên lửa Trường Chinh 5B đã rớt vào khí quyển lúc 10 giờ 24 (theo giờ Bắc Kinh, tức 2 giờ 24 theo giờ GMT)”, hay 9 giờ 24 phút theo giờ Việt Nam.

Thông báo cho biết: “Các mảnh vỡ đáp xuống vị trí có tọa độ 72,47 kinh độ Đông; 2,65 vĩ độ Bắc”. Tọa độ này tương ứng với một khu vực thuộc Ấn Độ Dương.

Giới chức Trung Quốc nói rằng phần lớn tên lửa đã tan vỡ và phá hủy khi tiếp xúc với bầu khí quyển. Dự án Space Track của quân đội Mỹ đã xác nhận điều này.

Xác tên lửa Trường Chinh 5B có chiều dài hơn 33 m, nặng hơn 20 tấn.

Trung Quốc phóng tên lửa Trường Chinh 5B vào ngày 28/4 để đẩy mô đun Thiên Hà cho Trạm Vũ trụ Trung Quốc. Sau đó, phần xác tên lửa trở thành mối lo ngại vì nó sẽ rơi xuống Trái đất trong tình trạng “mất kiểm soát”. Các mảnh vỡ của nó có thể gây ra những hậu quả khó lường đối với hoạt động hàng không và cư dân trên địa cầu.

Năm ngoái, một tên lửa Trường Chinh khác của Trung Quốc cũng rơi mất kiểm soát. Các mảnh vỡ của nó trải khắp khu vực Đại Tây Dương và một phần ở miền tây châu Phi, theo SpaceNews. Một số mảnh đã rơi xuống Bờ Biển Ngà, làm hư hại một số tòa nhà. Nhưng không có thương tích nào được báo cáo.

Thế giới có thể thở phào?

Các nhà quan sát cho biết thế giới có thể thở phào vì các mảnh vỡ của tên lửa Trung Quốc đã rơi xuống Ấn Độ Dương. Chưa có thông tin thiệt hại nào được báo cáo.

“Những người theo dõi vụ tên lửa Trường Chinh 5B trở lại khí quyển có thể thở phào. Tên lửa đã bị phá hủy”, Space Track, một dự án của Mỹ viết trên Twitter.

Video trên mạng xã hội cho thấy tên lửa rớt xuống, kéo theo một vệt khí dài trên bầu trời Oman. khi phần lớn tên lửa bị đốt cháy khi va chạm vào bầu khí quyển.

Các tên lửa đẩy thông thường được thiết kế rơi trở lại Trái đất một cách có kiểm soát. Xác của nó sẽ trở lại bầu khí quyển và rơi xuống một địa điểm an toàn được tính toán trước. Nhưng công nghệ của Trung Quốc chưa đạt được điều này.

Nhà quan sát Spaceflight Jonathan McDowell bình luận điều này là “thể chấp nhận được” nếu xét theo các tiêu chuẩn hiện nay.