Áp thấp nhiệt đới vào miền Trung gây thiệt hại người và tài sản; Tráo hơn 500 tờ vé số của người khuyết tật… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 26/9/2023.
Tóm tắt nội dung
Áp thấp nhiệt đới vào miền Trung gây thiệt hại người và tài sản
Ngày 26/9, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn kèm lốc, sét xảy ra trong 2 ngày 24 – 25/9 đã gây thiệt hại về người và tài sản ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.
Cụ thể, có 1 người chết (ông Trần K.T., 59 tuổi, trú tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) do bị sét đánh khi đang đánh bắt cá trên biển; 6 người bị thương ở Thừa Thiên – Huế. Về tài sản, 153 ngôi nhà bị tốc mái (Quảng Trị 69 nhà; Thừa Thiên – Huế 84 nhà).
Mưa lớn gây ngập tại một số ngầm tràn, điểm đường giao thông tại các huyện của Quảng Bình gồm: Minh Hóa (14 điểm, trong đó một số điểm ngập sâu từ 0,4 – 2m); Quảng Ninh (4 điểm); Tuyên Hóa (3 điểm); 3 điểm trên QL15 và QL9B gây chia cắt 18 thôn bản thuộc các huyện Minh Hóa, Quảng Ninh.
Tráo hơn 500 tờ vé số của người khuyết tật
Ngày 26/9, Công an TP. Biên Hòa đã bắt giữ Phạm Ngọc Vinh (52 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ngãi) để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vinh được xác định là nghi phạm gây ra vụ lừa đảo (tráo 522 tờ vé số) của chị Lê Thị Thuận (quê Khánh Hòa) tại địa bàn phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa.
Công an bước đầu điều tra xác định, khoảng 6h sáng ngày 24/9, Vinh điều khiển xe mô tô nhãn hiệu SH Mode, màu đỏ từ quận 12, TP. HCM mang theo 470 tờ vé số đã sổ những ngày trước đó xuống khu vực TP. Biên Hoà với mục đích lừa đảo (tráo vé số) những người bán vé số.
Khi đến góc đường Dương Tử Giang (khu vực ngã tư Vincom, phường Tân Tiến), Vinh phát hiện chị Thuận bị tàn tật ngồi xe lăn bán vé số một mình nên nhanh chóng dừng xe bên cạnh hỏi mua vé số.
Chị Thuận đưa Vinh một xấp vé số 530 tờ đài Tiền Giang, Vinh mua 8 tờ, trả tiền cho chị Thuận. Lợi dụng chị Thuận không để ý, Vinh đã tráo đổi 470 tờ vé số đã sổ mang theo để lấy 522 tờ vé số mở thưởng ngày 24-9-23, sau đó về quầy vé số của ông L.Q (Thuận An, Bình Dương) bán lại được 4,24 triệu đồng (giá 8.000 đồng/tờ) (đọc toàn bản tin trên báo Người Lao Động).
Hai nam sinh dũng cảm cứu em nhỏ đuối nước
Chiều 30/8, trong lúc chơi đùa tại âu thuyền xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), 2 em Trần Đình N. A (8 tuổi) và Nguyễn Bảo B. (6 tuổi) không may sẩy chân rơi xuống nước.
Phát hiện 2 em nhỏ đang chới với dưới nước sâu, em Nguyễn Phúc Sinh (lớp 7C) và Nguyễn Hoàng Phong (lớp 7E, Trường THCS Thạch Kim) chạy tới tiếp cận, cứu hai em nhỏ lên bờ (đọc toàn bản tin trên báo Tiền Phong).
Uống nước ngọt không rõ nguồn gốc, 30 học sinh nghi ngộ độc
Báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng cho biết, khoảng 19h ngày 21/9, 8 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú và THCS Cốc Pàng (xã Cốc Pàng) xuất hiện các triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, được đưa đến Trạm Y tế xã Cốc Pàng để khám và điều trị.
Trước đó, các em đã ra cổng trường mua nước ngọt đóng chai dung tích 245 ml không rõ nguồn gốc (nhãn vỏ chai không có chữ tiếng Việt) về uống. Sau uống khoảng 20 phút, các em có biểu hiện đau đầu, đau bụng, buồn nôn kèm theo tiêu chảy, được các thầy cô giáo đưa đến Trạm Y tế xã Cốc Pàng để khám và kê đơn điều trị. 7 em sức khỏe đã ổn định, 1 em chuyển Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc để tiếp tục điều trị.
Sáng 22/9, có 22 em tiếp tục ra cổng trường mua loại nước ngọt như trên về uống. Sau khi uống, các em này đều xuất hiện triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn kèm theo tiêu chảy và được đưa đến Trạm Y tế xã Cốc Pàng khám, điều trị; trong đó 6 em có biểu hiện nặng phải đưa lên Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc điều trị.
Cũng theo Sở Y tế Cao Bằng, trước khi xảy ra sự cố với 30 học sinh nêu trên, ngày 7/9, 25 học sinh của Trường tiểu học Việt Chu bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn kẹo, uống nước ngọt không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mua ở cổng trường (đọc toàn bản tin trên báo Thanh Niên).
Có thể bạn quan tâm: