Dính bẫy ‘việc nhẹ lương cao’ ở Campuchia, nhiều nạn nhân treo cổ tự tử; Hai anh em ruột mất tích, 3 ngày sau phát hiện trong hồ nước… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 25/6/2022.
Tóm tắt nội dung
Gần một nửa tàu cá ngừng hoạt động vì giá xăng dầu cao kỷ lục
Khoảng một nửa tàu cá khai thác thủy sản tại các địa phương phải ngừng hoạt động do giá xăng dầu tăng cao, theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn.
Số liệu từ cơ quan này cho biết, mỗi tháng bình quân hoạt động khai thác thủy sản tiêu thụ khoảng 330 triệu lít dầu, trong khi giá dầu diesel – loại nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản, đã tăng hơn 1,7 lần so với cuối năm 2021, đắt hơn 12.440 đồng so với cuối 2021.
Nhiên liệu thường chiếm 45-60% chi phí đầu vào cho sản xuất của tàu cá khai thác thủy sản. Thêm vào đó, giá nhiên liệu tăng đã đẩy giá các mặt hàng khác phục vụ khai thác thủy sản tăng theo 10-15%. Kết quả là chi phí đầu vào khai thác thủy sản đội lên 35-48%, trong khi giá bán đầu ra lại tăng không đáng kể.
“Những khó khăn này dẫn tới 40-55% tàu cá ngừng hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống của ngư dân. Chuỗi cung ứng sản xuất thủy sản trong nước, xuất khẩu bị ảnh hưởng theo”, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nêu trong văn bản vừa gửi hai bộ: Công Thương, Lao động – Thương binh & Xã hội (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).
Bắt Trưởng khoa xét nghiệm CDC Yên Bái liên quan vụ Việt Á
Theo thông tin từ phòng Tham mưu, công an tỉnh Yên Bái được báo VOV đăng tải, qua công tác xác minh, điều tra, ngày 17/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Yên Bái đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh tạm giam bị can đối với Đoàn Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1975), Trưởng khoa Xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh -Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (đơn vị thuộc Sở Y tế tỉnh Yên Bái) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, do có liên quan đến việc mua kít xét nghiệm Covid-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.
Được biết, trong năm 2020-2021, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tỉnh Yên Bái đã giao cho ngành Y tế mua sắm các hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm Covid-19 với tổng số tiền trên 4,8 tỷ đồng.
Công an TP. HCM làm việc với êkip hỗ trợ bà Nguyễn Phương Hằng livestream
Sáng 25/6, công an TP. HCM đã mời 3 cá nhân bị tố giác có vai trò đồng phạm với bị can Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) lên làm rõ một số nội dung liên quan cáo buộc giúp sức tích cực cho bà Hằng livestream đưa thông tin sai sự thật.
Trước đó, theo đơn tố giác của ca sĩ Vy Oanh, 3 cá nhân giúp sức tích cực, giữ vai trò trợ lý, thư ký xuyên suốt cho các buổi livestream của bà Phương Hằng gồm ông Huỳnh Công Tân, bà Lê Thị Thu Hà (Ha Lee) và bà Nguyễn Thị Mai Nhi (Hoàng Nhi).
“Những người này đã giúp bị can Hằng quản lý khoảng 12 kênh, trang mạng xã hội lên kịch bản, khách mời trong các buổi livestream của bị can Nguyễn Phương Hằng để phát thông tin với nội dung, ngôn từ sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nữ ca sĩ cũng như những cá nhân, tổ chức khác”, Vy Oanh nêu trong đơn (đọc toàn bản tin trên báo Zing).
Dính bẫy “việc nhẹ lương cao” ở Campuchia, nhiều nạn nhân treo cổ tự tử
Theo công an tỉnh Tây Ninh, gần đây có nhiều công dân Việt Nam bị nhóm người dụ dỗ xuất cảnh trái phép qua Campuchia để lao động. Thực chất khi qua Campuchia, họ bị cưỡng bức, bóc lột sức lao động, buộc làm việc 11 giờ trong ngày, bị ngược đãi, đánh đập, mua bán sang tay… Khi người lao động không chịu nổi, phải liên hệ người thân ở Việt Nam gửi tiền sang chuộc thân.
Một lãnh đạo của Phòng An ninh đối ngoại công an tỉnh Tây Ninh, nhận định: “Nguyên nhân thời gian gần đây tình trạng người dân xuất cảnh trái phép qua Campuchia diễn biến phức tạp là do nhu cầu tìm người làm việc cho các casino ở Campuchia tăng cao”.
Theo vị này, khi người tìm việc đồng ý thì nhóm đối tượng ở Campuchia móc nối với nhóm đối tượng ở Việt Nam, tổ chức thành đường dây đưa họ xuất cảnh trái phép. Khi nạn nhân qua Campuchia làm việc, nếu chủ công ty thấy họ không làm theo yêu cầu thì sẽ bán họ cho công ty khác với giá cao hơn giá mua trước đó.
Hình thức đưa lao động sang Campuchia trái phép như trên có dấu hiệu tội phạm mua bán người. Đặc biệt khi nạn nhân muốn trở về phải nộp tiền chuộc, gia đình không có tiền chuộc thì nạn nhân sẽ bị trừng phạt như kiểu “xã hội đen”.
Theo thống kê của Phòng An ninh đối ngoại, từ tháng 9/2021 đến nay, lực lượng chức năng Campuchia có cung cấp thông tin cho công an tỉnh Tây Ninh, trong đó nhiều trường hợp người Việt Nam sang Campuchia làm việc đã tự tử bằng cách nhảy lầu, treo cổ, hoặc mất tích chưa rõ nguyên nhân… (đọc toàn bản tin trên báo Dân Trí).
Hai anh em ruột “mất tích”, 3 ngày sau mới phát hiện thi thể trong hồ nước
Ngày 23/6, hai anh em T.Đ.H và T.T.H được cha mẹ đưa đến nhà ông bà ngoại ở huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai gửi nhờ trông giúp. Sau đó, khi ông bà ngoại đang làm vườn phía sau nhà, khi về không thấy hai anh em ở đâu.
Sau khi phát hiện hai cháu “mất tích”, người nhà đã huy động lực lượng tổ chức đi tìm, báo chính quyền địa phương. Đến ngày 25/6, người dân phát hiện thi thể hai anh em nổi trên một hồ nước ven Quốc lộ 14, cách nhà ông bà ngoại chừng hơn 10km nên đã báo chính quyền địa phương (đọc toàn bản tin trên báo Người Lao Động).