Thế giới năm 2021 trải qua nhiều sự kiện nổi bật, từ việc Trung Quốc ngang ngược “làm luật” ở Biển Đông, cho đến Taliban trở lại nắm quyền tại Afghanistan.

Dưới đây là top 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất 2021 do MUC News bình chọn:

10. Mỹ-Anh-Úc công bố Thỏa thuận AUKUS

Vào ngày 15/9, Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng công bố một thỏa thuận an ninh ba bên mang tên AUKUS.

Theo đó, Mỹ cam kết giúp Australia xây dựng 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Quốc gia duy nhất khác nhận được quyền truy cập tương tự vào công nghệ của Hoa Kỳ là Vương quốc Anh.

Thỏa thuận này là để “duy trì an ninh và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.” Mặc dù không có nhà lãnh đạo nào đề cập đến Trung Quốc, nhưng giới quan sát cho rằng AUKUS là nhằm chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc.

Bắc Kinh lên án hiệp ước này là “cực kỳ vô trách nhiệm” và “phân cực”.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất không hài lòng với thỏa thuận này. Pháp điêu đứng vì AUKUS chấm dứt thỏa thuận trị giá 37 tỷ USD mà Ausralia đã ký với Pháp vào năm 2016 để đóng hàng chục tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel-điện.

9. Khủng hoảng di cư thách thức các quốc gia giàu có

Mỹ là nước đối mặt với khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất. Tính đến tháng 10, số người nhập cảnh trái phép vào Mỹ đã đạt 1,7 triệu người, con số cao nhất kể từ năm 1960. Để ngăn chặn dòng người di cư, chính quyền Biden buộc phải khôi phục trở lại một số chính sách chống nhập cư của người tiền nhiệm. Nếu không phải vậy thì là Tòa án Tối cao đã ra lệnh phải áp dụng chính sách đó.

Liên minh châu Âu có số người nhập cảnh trái phép dự kiến tăng 70% so với năm 2020. Sự gia tăng người di cư băng qua eo biển Manche từ Pháp đã gây ra xung đột ngoại giao giữa Paris và London.

Trong khi đó, Belarus khuyến khích người di cư vượt qua lãnh thổ của mình để vào Latvia, Lithuania và Ba Lan nhằm gây áp lực buộc EU phải chấm dứt các biện pháp trừng phạt mà họ áp đặt với Belarus. Các biện pháp trừng phạt này là nhằm phản đối cuộc bầu cử tổng thống Belarus đầy gian lận năm 2020.

8. Taliban trở lại nắm quyền lực tại Afghanistan

Cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan đã kết thúc và Afghanistan trở về trạng thái như 20 năm trước khi Mỹ đến: Taliban trở lại nắm quyền.

Năm 2001, sau khi xảy ra vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ, Washington đã yêu cầu Taliban giao nộp trùm khủng bố Bin Laden. Taliban từ chối, Mỹ liền đem quân tới Afghanistan, chấm dứt sự cai trị của Taliban.

20 năm sau, Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, tin tưởng rằng chính phủ Afghanistan do Mỹ ủng hộ sẽ đứng vững trước đội quân Taliban nhỏ bé. Nhưng không ngờ, vào ngày 15/8/2021, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani bỏ trốn, chính phủ sụp đổ, Taliban tiến thẳng vào thủ đô Kabul và giành quyền kiểm soát đất nước.

7. Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ

Cựu phó tổng thống thời Barack Obama đã trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ sau một cuộc bầu cử gây tranh cãi. Những người ủng hộ ông Trump nghi ngờ cuộc bầu cử đã bị gian lận.

Sau khi lên nắm quyền, ông Biden đã thu hồi hàng loạt chính sách của ông Trump. Ví dụ: Đưa Mỹ trở lại Hiệp định Khí hậu Paris và Tổ chức Y tế Thế giới; tìm cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran; gỡ bỏ các chính sách biên giới của ông Trump.

Vài tháng kể từ khi áp dụng các chính sách mới, tình trạng lạm phát tại Mỹ tăng kỉ lục. Tỉ lệ tín nhiệm ông Biden bị sụt giảm nghiêm trọng. Dự báo cho thấy khả năng Đảng Cộng hòa sẽ đánh bại Đảng Dân chủ của ông Biden trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022. Thậm chí những người ghét Trump cũng phải nghĩ tới khả năng ông Trump có thể trở lại Nhà Trắng vào năm 2025.

6. Đảo chính quân sự tại Myanmar

Cuộc đảo chính Myanmar năm 2021 bắt đầu vào sáng ngày 1/2. Quân đội Myanmar đã phế truất chính quyền dân sự, bắt giữ Tổng thống Win Myint, Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và các thành viên nội các, quốc hội.

Giới quan sát cho rằng cuộc đảo chính này có thể có bàn tay Trung Quốc can dự. Ngay sau khi cuộc đảo chính diễn ra, đã có nhiều chuyến bay trong đêm giữa Côn Minh (Trung Quốc) và Yangon (Myanmar). Điều này đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Chuyên gia quân sự Susan Hutchinson cho rằng Trung Quốc không chỉ biết về việc quân đội đảo chính, mà còn cử binh sĩ qua biên giới để hỗ trợ quân đội Myanmar lật đổ chính phủ dân sự.

5. Đảo chính quân sự ở Sudan

Vào ngày 25/10, quân đội Sudan, do Tướng Abdel Fattah Al-Burhan chỉ huy, đã giành quyền kiểm soát ở Sudan và bắt giữ thủ tướng Abdalla Hamdok cùng một số quan chức chính phủ. Hamdok được thả tự do tại gia vào ngày 21/11 năm 2021 và đồng ý một thỏa thuận với quân đội.

Cuộc đảo chính thu hút sự phản đối gay gắt từ người dân Sudan, các phong trào chính trị ở nước này và cộng đồng quốc tế.

4. Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới

Dịch Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc năm 2019 đang tiếp tục lây lan trên thế giới vào năm 2021.

Vào tháng 11/2021, Nam Phi phát hiện biến thể mới của virus corona. Theo thứ tự đặt tên, lẽ ra Tổ chức Y tế Thế giới phải gọi biến thể này là Xi. Nhưng vì nó trùng tên với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping), nên WHO gọi biến thể mới là Omicron.

Hành động của WHO đã thu hút sự chỉ trích trong dư luận. Con trai cựu Tổng thống Donald Trump, anh Donald Trump Jr cho rằng: “Theo tôi biến thể gốc sẽ luôn là biến thể Xi.”

3. Căng thẳng Trung Quốc – Đài Loan leo thang

Tình hình eo biển Đài Loan gia tăng căng thẳng trong năm 2021. Trung Quốc đã nhiều lần đưa máy bay chiến đấu xâm phạm vào bầu trời Đài Loan.

Vào tháng 11/2021, Đảng Cộng sản Trung Quốc ra nghị quyết lịch sử thứ 3, trong đó nêu rõ việc thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc “là sứ mệnh lịch sử không thể thay đổi của đảng”.

Những điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng Trung Quốc sẽ sớm xâm lược Đài Loan. Trong khi đó, Đài Loan thể hiện rõ lập trường không cúi đầu trước Trung Quốc.

Ông Đồ Tỉnh Triết (Twu Shiing-jer), Chủ tịch Trung tâm Phát triển Công nghệ Sinh học của Đài Loan, tuyên bố chính quyền “Trung Quốc không thể làm gì ngoài võ mồm”.

2. Ông Trump công bố mạng xã hội mới

Ngày 20/10, cựu Tổng thống Trump công bố mạng xã hội Truth (Sự thật) do ông thành lập. Ông đưa ra nền tảng này trong bối cảnh hàng loạt mạng xã hội tiếp tục ngăn chặn tiếng nói của ông trong năm 2021.

“Tôi thành lập TRUTH Social và Tập đoàn Công nghệ và Truyền Thông Trump (TMTG) để chống lại sự chuyên chế của những gã khổng lồ công nghệ”, ông Trump tuyên bố.

Trước đó, vào đầu tháng 7, một cố vấn của ông Trump đã công bố một mạng xã hội khác gọi là GETTR.

Năm 2021 là năm chứng kiến nhiều cư dân mạng “chuyển nhà” sang các mạng xã hội mới như SafeChat. Hiện tượng này xuất hiện khi cư dân mạng lo ngại về tính công bằng của các mạng cũ, sau vụ việc nhắm vào ông Trump.

1. Trung Quốc ngang ngược ‘làm luật’ ở Biển Đông

Vào ngày 29/4, Trung Quốc ban hành cái gọi là “Luật An toàn giao thông hàng hải mới”. Luật có hiệu lực từ ngày 1/9. Trong đó, Bắc Kinh đòi hỏi tàu thuyền các nước phải xin phép Trung Quốc khi đi vào vùng biển mà Trung Quốc có yêu sách chủ quyền. Tàu vi phạm có thể bị Trung Quốc phạt tới 2 tỉ đồng Việt Nam.

Ngày 26/11, Bộ Nông nghiệp – Nông thôn và Cảnh sát biển Trung Quốc đưa ra chính sách mới, nhưng đến ngày 23/12 mới công bố bản tiếng Trung trên website chính phủ. Theo đó, các ngư dân nước ngoài bị cáo buộc xâm phạm vùng biển Trung Quốc sẽ bị phạt tới 400.000 nhân dân tệ (khoảng 1,4 tỉ đồng Việt Nam).

Những quy định vô lý này được đưa ra khi Trung Quốc cố gắng thúc đẩy yêu sách hàng hải phi pháp đối với phần lớn diện tích Biển Đông, trong đó bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị tòa án quốc tế bác bỏ từ năm 2016. Tuy nhiên, Bắc Kinh phớt lờ phán quyết này.