Trung Quốc không chỉ tuyên bố chủ quyền Biển Đông bằng tình báo quân sự, phô trương sức mạnh mà còn bằng “quyền lực mềm”, trong đó có sử dụng Netflix.
Theo nhà nghiên cứu Pratnashree Basu của Viện Nghiên cứu Observer (ORF) của Ấn Độ, vào đầu tháng 11, sau những khiếu nại từ Philippines và Việt Nam, nền tảng xem phim toàn cầu Netflix đã xóa hai tập khỏi bộ phim truyền hình về điệp viên Pine Gap của Úc.
Lý do là những tập phim này sử dụng các bản đồ thể hiện đường 9 đoạn phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Đường 9 đoạn còn gọi là đường lưỡi bò, là vùng lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp ở Biển Đông.
Trung Quốc cài cắm bản đồ đường 9 đoạn trong Netflix và các hãng khác
Bản đồ là một công cụ thiết yếu để thiết lập phân định lãnh thổ có chủ quyền. Chính vì vậy, Trung Quốc đã lợi dụng công cụ này để thực hiện âm mưu đường 9 đoạn và tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông.
Bản đồ cũng góp một phần quan trọng trong “ba cuộc chiến” của Trung Quốc – cuộc chiến dư luận, cuộc chiến tâm lý và cuộc chiến pháp lý. Cả ba cuộc chiến này đều được Trung Quốc triển khai một cách có hệ thống ở Biển Đông.
Trước đó vào năm 2020, Công ty TNHH công nghệ thông tin Phú Châu của Trung Quốc sản xuất một trò chơi điện tử có tên “Chuyến du lịch vòng quanh thế giới của bé gấu trúc”. Trò chơi điện tử này có chứa bản đồ lưỡi bò bất hợp pháp. Do đó, trò chơi điện tử của Công ty Phú Châu đã bị xóa khỏi Google Play và App Store.
Năm 2019, 2 bộ phim là Abominable do hãng hoạt hình DreamWorks sản xuất; Pearl Studio sản xuất tại Thượng Hải đã bị rút khỏi rạp. Nguyên nhân là cả hai đều chiếu Biển Đông với đường 9 đoạn. Cho đến tháng 8/2020, một bộ phim Netflix khác là “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta” của Trung Quốc lại tiếp tục bị kiểm duyệt sau khi phô diễn bản đồ tương tự về Biển Đông.
Vào tháng 4/2021, sau khi H&M sử dụng bản đồ này trên trang website cho các chương trình khuyến mãi ở Thượng Hải. Hãng thời trang Thụy Điển này đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội trên Twitter.
Mặc dù các tham chiếu chính trị trong văn hóa đại chúng dường như ít có giá trị. Tuy nhiên, Trung Quốc đã thực hiện điều này một cách tinh tế và bền bỉ; dần dần chứng thực và đưa ra các tuyên bố bất hợp pháp. Điều này được cho là hoàn toàn trái với luật hàng hải quốc tế.
Những tài liệu tham khảo trong văn hóa và thời trang đại chúng như vậy đang dần huỷ hoại kiến thức và nhận thức của công chúng về thực tế. Một phần cũng bởi ĐCSTQ luôn kiểm soát và thao túng môi trường thông tin. Theo ban giám đốc điện ảnh Philippines: “Việc sử dụng bản đồ không phải là ngẫu nhiên; nó được thiết kế và tính toán một cách có chủ ý để truyền tải thông điệp rằng đường 9 đoạn của Trung Quốc tồn tại một cách hợp pháp. ”
Đông Nam Á là mục tiêu của Trung Quốc
Theo nhà nghiên cứu Basu, điều đáng báo động có lẽ là tốc độ và phạm vi của các hoạt động gián điệp của Bắc Kinh. Trung Quốc đang tìm cách đào sâu tham vọng chiến lược trong khu vực. Đông Nam Á trở thành mục tiêu dễ dàng nhất và là bàn đạp để giăng lưới ra những khu vực lân cận với Biển Đông.
Trung Quốc đang đưa các tiến bộ công nghệ bổ sung vào các chiến thuật tấn công ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng luôn tìm cách mở rộng sức ảnh hưởng của mình trên các bãi đá, bãi cạn và rạn san hô đang bị tranh chấp ở giữa Biển Đông. Cơ sở Mumian ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) còn được trang bị các phương tiện giúp theo dõi và đối phó với các tàu nước ngoài. Phương tiện này có độ chính xác rất cao do có sự trợ giúp của nền tảng theo dõi và liên lạc vệ tinh (SATCOM); thông tin liên lạc (COMINT).
Một báo cáo khác cho thấy cách “gián điệp mạng” của Trung Quốc đang nhắm vào cả chính phủ cũng như các tổ chức khu vực tư nhân trên khắp Đông Nam Á. Gián điệp điện tử và gián điệp mạng, luật bảo vệ bờ biển được ban hành vào năm 2020 và việc triển khai lực lượng dân quân hàng hải quốc gia đang ngày càng mở rộng để tăng cường ảnh hưởng chiến lược và kiểm soát chính trị.