Bộ trưởng Quốc phòng Philippines gần đây chỉ trích Trung Quốc đang tìm cách mở rộng khu vực chiếm đóng Biển Đông, mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Reuters đưa tin, hôm 4/4, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết Trung Quốc đang tìm cách chiếm đóng nhiều khu vực hơn ở Biển Đông. Ông cho rằng sự hiện diện liên tục của các tàu Trung Quốc ở Biển Đông là do dân quân Trung Quốc vận hành.

“Sự hiện diện liên tục của dân quân hàng hải Trung Quốc trong khu vực, cho thấy ý đồ tiếp tục chiếm đóng các khu vực ở Biển Tây Philippines”, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana dùng từ Biển Tây Philippines khi đề cập đến vùng nam Biển Đông mà Philippines có tuyên bố chủ quyền.

Các bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông gồm Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Brunei, Malaysia, Trung Quốc.

Ông Lorenzana chỉ trích các tàu Trung Quốc neo đậu trái phép tại nhiều khu vực trên Biển Đông; bao gồm bãi cạn Scarborough và khu vực đá Vành Khăn, là vi phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia và luật pháp quốc tế.

Đây là lần thứ 2 mà ông Lorenzana đa ra tuyên bố mạnh mẽ chỉ trong hai ngày qua. Ông yêu cầu các tàu Trung Quốc rời khỏi bãi Đá Ba Đầu (Whitsun) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: Hơn 200 tàu neo đậu gần bãi đá ngầm Ba Đầu là để tránh bão và không có dân quân nào trên tàu.

Hôm 3/4, ông Lorenzana cho biết vẫn còn 44 tàu Trung Quốc tại bãi đá ngầm Ba Đầu; mặc dù điều kiện thời tiết tương đối tốt.

“Tôi không ngốc. Thời tiết hiện nay rất tốt, vì vậy họ không có lý do gì để ở lại đó”.

ông Lorenzana nói.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã đáp lại bình luận của ông Lorenzana. Họ nói rằng việc các tàu Trung Quốc đánh bắt cá trong khu vực và trú ẩn gần rạn san hô trong điều kiện khắc nghiệt là “hoàn toàn bình thường”. Đại sứ quán nói thêm: “Không ai có quyền đưa ra những nhận xét về các hoạt động như vậy”.

Philippines từng nộp đơn kiện yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông ra tòa trọng tài quốc tế tại La Hay (Hà Lan). Năm 2016, tòa án này ra phán quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phủ nhận phán quyết và tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp.