Nước là tài nguyên quý giá của sự sống. Đặc biệt, dưới đôi bàn tay khéo léo của con người, nước còn có thể dùng để vẽ tranh.
Vẽ tranh bằng nước tại Nhật Bản
Genta – một nhân viên pha chế người Nhật chia sẻ rằng anh muốn mang lại niềm vui cho mọi người từ những việc đơn giản, điều mà bản thân anh chưa có thời gian cũng như cơ hội để thực hiện trước đó. Giờ đây anh đã đạt được mong ước của mình thông qua hình thức vẽ tranh bằng nước trên đường phố.
Dịch Covid-19 đã mang đến cho Genta cả thời gian cũng như không gian để làm điều anh yêu thích. Những bức tranh các nhân vật nổi tiếng của anh khiến người xem vừa yêu thích vừa trầm trồ thán phục.
Dụng cụ dùng để vẽ chỉ là bình xịt nước. Nhưng nhờ lòng say mê sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo anh đã đem đến cho thành phố Ube (Nhật Bản) không chỉ là các tác phẩm nghệ thuật mà còn là những phút giây thư giãn, giải tỏa căng thẳng. Đó cũng là một cách tiếp thêm sức mạnh tinh thần, giúp chúng ta vượt qua đại dịch.
Sau đây là hình ảnh về những tác phẩm của anh trên mặt đường bằng đá tại thành phố Ube (các hình ảnh được chụp từ màn hình video của Caters):
Dụng cụ để vẽ tranh của anh Genta chỉ là bình xịt nước.
|
Nhân vật hoạt hình nổi tiếng Songoku. |
Gia đình Nhật Bản. |
Đám cưới hạnh phúc. |
Vẽ tranh bằng nước tại Việt Nam
Trước đó tại Việt Nam cũng có hình thức vẽ tranh bằng nước. Những người họa sĩ đã dùng vòi phun nước để vẽ nên các tác phẩm nghệ thuật như phượng, rồng…trên trúc chỉ – một loại giấy được làm từ tre (tre sau khi lấy về được luộc, ngâm mềm, bỏ vào máy xay, cho bột vào nước, lên khung, đem phơi rồi thành giấy trúc chỉ).
Không như người họa sĩ khác, mỗi bức tranh được vẽ bằng cọ và màu thì với họa sĩ trúc chỉ, sử dụng vòi nước thay cho cây cọ. Và việc phun nước lên giấy là quá trình đầy ngẫu hứng sáng tạo, để từ đó tạo nên một sản phẩm trúc chỉ có tính nghệ thuật cao. Từ lúc phác thảo người họa sĩ đã phải tính toán rất nhiều, bởi vì việc xử lý nước không giống như xử lý màu bình thường.
Người nghệ sĩ dùng vòi phun nước để vẽ tranh trên giấy trúc chỉ (ảnh chụp từ video của VTC1). |
Do công đoạn chế tác ra giấy trúc chỉ khá tỉ mẩn và cầu kỳ nên bản thân mỗi tờ giấy trúc chỉ đã là một tác phẩm nghệ thuật mà không cần phải viết, vẽ gì thêm. Trên mỗi trang giấy trúc chỉ đều chứa những hoa văn, hoạ tiết, bố cục khác nhau, mang dấu ấn và phong cách sáng tạo riêng của mỗi người nghệ sĩ.
Tranh vẽ bằng nước trên giấy trúc chỉ (ảnh chụp từ video của VTC1). |
Trúc chỉ là nghệ thuật đương đại được phát triển từ nghề làm giấy dó truyền thống. Nó vừa xây dựng được những giá trị mới, thích ứng với nhịp sống đương đại mà vẫn mang đậm tinh thần văn hóa truyền thống Việt Nam.