Các sinh viên Trung Quốc đã đụng độ với cảnh sát và nhân viên bảo vệ trong cuộc biểu tình tại một trường đại học Trung Quốc vào ngày 7-8/6. The Epoch Times đưa tin, một số sinh viên đã đổ máu khi bị các nhà chức trách tấn công.

Vụ việc diễn ra tại Đại học Sư phạm Nam Kinh ở phía đông tỉnh Giang Tô. Các sinh viên biểu tình vì lo ngại bằng cấp của họ sẽ bị mất giá; do chính quyền có kế hoạch sáp nhập các trường cao đẳng tư thục với các trường cao đẳng nghề.

Vào cuối ngày 8/6, Wu Hua (bút danh), một sinh viên từ Cao đẳng Zhongbei thuộc sở hữu tư nhân của Đại học Sư phạm Nam Kinh, cho biết: “Cảnh sát, trợ lý cảnh sát và nhân viên bảo vệ bắt đầu tấn công chúng tôi [sinh viên].”

Wu cho biết: “Họ phun nước lên người chúng tôi, đẩy chúng tôi xuống đất và kéo một số người trong chúng tôi đi nơi khác. Một số sinh viên bị xây xát, và một số em khác bị chảy máu trên đầu”.

“Họ [cảnh sát] không cho phép chúng tôi rời khỏi khuôn viên trường… Một số học sinh đã bị giam trong các lớp học”, Wu nói thêm.

Các nguồn phỏng vấn khác nói với Epoch Times rằng: Một nhóm lớn các sĩ quan đơn vị chiến thuật của cảnh sát đã vào khuôn viên trường vào sáng sớm ngày 8/6, sau đó đánh đập và xịt hơi cay vào các sinh viên.

Trong vài ngày qua, 15 trường cao đẳng tư thục từ các tỉnh Chiết Giang và Giang Tô phía đông Trung Quốc đã công bố “kế hoạch hạ cấp”. Động thái này diễn ra sau khi Bộ Giáo dục Trung Quốc chỉ đạo các trường cao đẳng này điều chỉnh tên bằng cấp của họ từ bằng cử nhân thông thường thành bằng cử nhân nghề. Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 140.000 sinh viên.

Các trường cao đẳng tư thục thuộc các trường đại học Trung Quốc thu học phí cao hơn nhưng được coi là có uy tín hơn so với các trường dạy nghề. Họ cũng cấp bằng cử nhân chính quy. Việc sáp nhập đã làm sinh viên đại học tư thục lo ngại rằng bằng cấp sau này của họ sẽ bị “hạ cấp” về giá trị, và do đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội kiếm việc sau này.

Kế hoạch thay đổi bằng cấp dự kiến sẽ được áp dụng cho khoảng 186 trường cao đẳng độc lập trên toàn quốc, theo kế hoạch của Bộ Giáo dục Trung Quốc.