Những vùng đất phía Bắc của Bangladesh bị ngập úng |
Năm 2015, tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố các khu vườn nổi của Bangladesh là một hệ thống di sản nông nghiệp quan trọng toàn cầu. Đây là những cảnh quan kết hợp đa dạng sinh học nông nghiệp, có khả năng phục hồi hệ sinh thái.
Biến đổi khí hậu tạo ra các vườn nổi ở Bangladesh
Bangladesh được hình thành bởi các đồng bằng phù sa của hệ thống sông Hằng-Brahmaputra, nơi dễ xảy ra lũ lụt và ngập úng. Những trận gió mùa khốc liệt, những cơn lốc xoáy nghiêm trọng và tuyết tan trên dãy Himalaya càng làm trầm trọng thêm vấn đề đất và nước trong canh tác nông nghiệp.
Hai phần ba diện tích Bangladesh là đất ngập nước, bị cắt ngang bởi các con sông có lượng phù sa cao thường xuyên thay đổi dòng chảy. Những vùng đất rộng lớn nằm dưới nước tới 8 tháng trong năm, đồng thời sự xâm nhập của nước biển cũng khiến nhiều vùng đất không thể trồng trọt.
Canh tác nông nghiệp trên mặt nước ở Bangladesh |
Bangladesh là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, 48% trong tổng số 160 triệu dân không có đất. Vì biến đổi khí hậu, số người phải di dời khỏi nhà ở Bangladesh có xu hướng tăng lên. Một số nông dân đang từ bỏ nông nghiệp và tìm những cách khác để sinh sống như làm việc tại các nhà máy sản xuất quần áo hoặc chuyển sang trang trại nuôi tôm. Trong khi đó nông nghiệp là một trong những ngành đóng góp quan trọng vào GDP của Bangladesh.
Khi mực nước biển dâng cao, một phương pháp thân thiện với môi trường đã được sử dụng hàng trăm năm ở các vùng đồng bằng ngập lũ phía Nam Bangladesh. Đó là một hình thức truyền thống của thủy canh, được gọi là vườn rau nổi – chỉ đơn giản là trồi lên và hạ xuống theo dòng nước. Giờ đây, nông dân đang phục hồi tập quán cũ này để giảm bớt tổn thương do biến đổi khí hậu.
Cách mà nông dân Bangladesh tạo ra vườn nổi
Lục bình là một loài bèo dại xâm lấn ở nhiều vùng của Bangladesh, người ta dùng chúng để làm bè nổi trồng rau. Đôi khi nông dân thử nghiệm các vật liệu khác để tạo ra vườn nổi như: Hệ thống ống bên trong làm từ lốp ô tô và một khung tre để hỗ trợ thêm. Họ trộn bèo dại, gốc lúa mì thối rữa, cùng với phân bò và phù sa rồi xếp nhiều lớp tạo thành bè nổi, sau đó chúng được neo bằng cọc tre để không bị trôi đi. Những chiếc bè nổi hữu cơ này kéo dài được khoảng 5 đến 6 tháng.
Những quả bóng nhỏ hạt giống được nảy mầm chuẩn bị trồng trên bè nổi |
Hạt giống cây trồng được đặt trong những quả bóng nhỏ gọi là tema làm từ đất than bùn và được bọc trong xơ dừa. Sau một tuần, khi cây con cao khoảng 15cm thì được cấy lên luống vườn nổi. Theo truyền thống, hạt giống của các loại rau ăn lá như: Dền đỏ, rau muống, rau cải…được gieo trực tiếp trên luống nổi.
Nông dân trồng các loại rau như đậu bắp, mướp đắng, bầu rắn, rau lang trên những luống này, đôi khi là các loại gia vị như nghệ, gừng và họ có thể reo được cả mạ trên những bè nổi này. Vào cuối vòng đời của chúng, khi nước rút, các trang trại nổi bị phá vỡ thì chúng được trộn với đất để trồng các loại cây vụ đông như: Củ cải, bắp cải, súp lơ, cà chua và dền đỏ.
Vườn nổi có phải là cách làm nông nghiệp tương lai của Bangladesh?
Hầu hết các bè hữu cơ không cần bất kỳ loại phân bón nào, vì cây có thể hấp thụ các chất dinh dưỡng như nitơ, kali và phốt pho từ chất hữu cơ trong luống và nước bên dưới. Nó rất thân thiện với môi trường, tất cả các đầu vào và nguồn lực cần thiết đều là tự nhiên. Nó không tạo ra bất kỳ chất thải hoặc sản phẩm phụ nào có thể tác động tiêu cực đến môi trường.
Nhiều trang trại nổi đã trở thành nơi gia cầm và gia súc có thể trú ẩn trong gió mùa và nơi mọi người có thể đánh cá. Một lợi thế khác của những khu vườn nổi này là: Các loài bèo dại thực sự trở nên có lợi trong việc xây dựng những bè nổi khéo léo này và chúng có khả năng thích ứng với sự xâm lấn của nước biển, làm giảm nguy cơ sinh sản của muỗi và các bệnh truyền qua đất.
Khi mực nước biến dâng cao, thì tập quán canh tác trên mặt nước từ lâu đời đang được khôi phục ở Bangladesh |
Một chiếc bè nổi điển hình dài khoảng 6m (chúng có thể dài tới 55m) cung cấp đủ thức ăn cho nông dân và gia đình họ, đồng thời là nguồn thu nhập khi họ bán đi phần dư thừa không dùng hết. Chi phí thấp khiến các khu vườn nổi trở thành lựa chọn thực tế của nhiều nông dân, giúp sản xuất nông nghiệp thực hiện quanh năm và đảm bảo an ninh lương thực ngay cả khi ngập úng.
Theo báo cáo của FAO, những người nông dân kiếm được lợi nhuận trung bình là 140 đô la trên 100 mét vuông. Nhiều khu vườn nổi đã được khởi công bởi các cơ quan chính phủ và các tổ chức phi chính phủ vì mục đích thích ứng với biến đổi khí hậu, để giúp chống lại đói nghèo và khan hiếm lương thực.
Hạn chế của bè nổi là không thể chịu được sóng hoặc mưa lớn, nếu có thủy triều và dòng chảy thì chúng có nguy cơ bị tan rã. Nhưng nhiều người đặt hy vọng vào những khoảng không gian an toàn nhỏ này để trồng thực phẩm.
Bangladesh một đất nước mà diện tích đất nông nghiệp đang ngày càng cạn kiệt, thời gian ngập úng càng ngày càng gia tăng và kéo dài. Cho nên việc canh tác trên bè nổi là tương lai, nó được phát triển để đảm bảo an ninh lương thực, quản lý thiên tai và tạo thu nhập bổ sung cho người nghèo.
Lục bình là loại bèo dại xâm lấn nhiều vừng đất của Bangladesh, nay được sử dụng để làm bè nổi để canh tác nông nghiệp trên nước |