Sáng nay (29/5), Philippines lên tiếng phản đối Trung Quốc “không ngừng triển khai, hiện diện kéo dài và hoạt động phi pháp” quanh đảo Thị Tứ ở Biển Đông.

Đảo Thị Tứ là một đảo san hô trong cụm Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các bên khác cũng tuyên bố chủ quyền đối với đảo Thị Tứ bao gồm Đài Loan, Philippines và Trung Quốc.

Philippines chiếm đóng đảo Thị Tứ từ đầu những năm 70 và gọi đó là đảo Pag-asa.

Theo Bloomberg, tuyên bố phản đối của Philippines là diễn biến mới nhất cho tình trạng căng thẳng kéo dài giữa các quốc gia.

Theo bản tuyên bố, Philippines yêu cầu Trung Quốc rút lui tất cả các tàu cá và các thiết bị hàng hải ra khỏi khu vực đảo Thị Tứ. Trong bài đăng Twitter sáng nay, Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố đảo Thị Tứ “là một phần không thể tách rời của Philippines”.

Hôm 27/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng bày tỏ sự phản đối của Việt Nam đối với việc Philippines bồi đắp Đảo Thị Tứ. Việt Nam cũng phản đối cuộc tập trận mới đây của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trước đó, vào tháng 4, Việt Nam ra tuyên bố phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc. Tuyên bố nhấn mạnh lệnh cấm xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế.

Philippines cũng phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông. Manila nói rằng lệnh cấm đánh bắt cá là vượt xa các quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

Hàng năm, Trung Quốc đều tự đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá. Bắc Kinh cũng tự ý ban cho mình cái quyền phạt tiền các tàu cá nước ngoài mà họ coi là xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Số tiền phạt lên tới 2 tỷ đồng Việt Nam.

Hồi đầu năm, chính quyền Trung Quốc tự ban hành luật cho phép lực lượng vũ trang của nước này có quyền nổ súng vào các tàu nước ngoài bị cáo buộc đi vào vùng biển của Trung Quốc.

Các nhà quan sát cho biết Trung Quốc đang sử dụng các thủ đoạn hung hăng ở Biển Đông nhằm thực hiện tham vọng chiếm trọn vùng biển chiến lược. Các thủ đoạn nhằm đẩy dần ngư dân Việt Nam và các nước khác ra khỏi Biển Đông.

Bắc Kinh nhận chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông. Yêu sách này được thể hiện qu đường lưỡi bò (hay đường 9 đoạn). Tòa Trọng tài quốc tế ở La Hay (Hà Lan) đã bác bỏ cơ sở pháp lý cho yêu sách của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh không chấp nhận và không tuân thủ phán quyết.