Năm 2022, nhiều trường đại học trên cả nước quyết định tăng học phí lên gấp 2, 3 lần so với năm học trước.

Cụ thể, theo số liệu từ VietNamNet, trong đề án tuyển sinh năm 2022 của Trường Đại học Luật Hà Nội, mức học phí với sinh viên hệ chính quy lớp/khóa tuyển sinh từ năm học 2022-2023 là 572 nghìn đồng/tín chỉ cho hệ đại trà và 1,605 triệu đồng/tín chỉ cho hệ chất lượng cao.

Trước đó, trong năm học 2021-2022, mức thu đối với hệ đại trà là 280 nghìn đồng/tín chỉ và 990 nghìn đồng/tín chỉ với hệ chất lượng cao. Như vậy, học phí của Trường Đại học Luật Hà Nội đã tăng gấp đôi với hệ đại trà, trong khi học phí của hệ chất lượng cao tăng 62%.

Hiện các trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng vừa tăng học phí theo quy định chung. Theo đề án tuyển sinh năm 2022 của ĐH Quốc gia Hà Nội, học phí dự kiến với sinh viên chính quy các chương trình đào tạo chuẩn từ 12-24,5 triệu đồng/năm và từ 30-60 triệu đồng/năm với các chương trình đào tạo đặc thù, chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Trong khi đó, năm học 2021-2022 có mức học phí rơi vào khoảng 9,8 – 14,3 triệu đồng/ năm/ sinh viên.

ĐH Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến mức học phí năm học tới là 42 triệu đồng, tăng gấp 1,2 lần so với mức học phí 35 triệu đồng của khóa tuyển sinh năm 2021. Trong 3 năm tiếp theo, trường tiếp tục tăng học phí thêm 2 triệu đồng/năm.

Học phí của Trường Đại học Luật Hà Nội với sinh viên các khóa

Ở phía Nam, nhiều trường công bố đề án tuyển sinh với học phí tăng mạnh.

Tin từ Zing, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến thu mức cao nhất là 44,3 triệu đồng/năm với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. Các ngành còn lại, học phí cao nhất không quá 41 triệu đồng/năm. So với khi trường chưa tự chủ, mức thu này tăng gần ba lần.

Tại Trường Đại học Bách khoa TP. HCM, sinh viên trúng tuyển chương trình đại trà sẽ đóng 25 triệu đồng/năm; các năm tiếp theo tăng lên 27,5-30 triệu đồng. Mức thu này tăng 2 – 3 triệu đồng so với năm ngoái.

Với Trường Đại học Công nghệ Thông tin TP. HCM, học phí chương trình đại trà tăng theo lộ trình, ở mức 29 – 42 triệu đồng từ năm nay đến 2025. Với chương trình tiên tiến, học phí theo lộ trình tương ứng 45 – 55 triệu đồng/năm; chương trình liên kết 80 – 138 triệu đồng/năm.

Thông tin của Tổng cục Thống kê, giá dịch vụ giáo dục điều chỉnh sẽ tác động tới CPI bình quân cả nước năm 2022 tăng khoảng 0,55%-1,05% và học phí năm học 2022-2023 dự kiến tác động tới CPI tăng 1,5%-2,8%. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay theo tính toán của Bộ GD-ĐT, giá dịch vụ giáo dục năm học 2022-2023 dự kiến tăng 40%-90%, tác động đến CPI chung cả năm 2022 từ 0,55%-1,05% là rất lớn. 

Từ Khóa: