Một chuyên gia y tế đã chỉ trích gay gắt việc chính quyền Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế đi lại quốc tế trong bối cảnh làn sóng COVID đang càn quét khắp đất nước. Chuyên gia này nhấn mạnh đây là hành động “cực kỳ vô trách nhiệm” và có thể gây ra sự bùng phát đại dịch trở lại trên toàn cầu.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 26/12 thông báo rằng nước này sẽ chấm dứt tất cả các yêu cầu kiểm dịch đối với khách du lịch nhập cảnh kể từ ngày 8/1/2023. Khách du lịch sẽ cần phải làm xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ trước khi nhập cảnh. Hiện tại, khách du lịch đến Trung Quốc cần phải trải qua 5 ngày cách ly bắt buộc tại một cơ sở đã được chỉ định, sau đó là thêm 3 ngày cách ly ở nhà.
Cơ quan y tế nói thêm rằng du lịch quốc tế vốn đã giảm mạnh đến mức gần như bằng không trong đại dịch, sẽ được nối lại một cách “có trật tự”. Họ cũng bỏ giới hạn số lượng chuyến bay quốc tế đến và đi từ Trung Quốc.
Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cho biết các đơn xin hộ chiếu của công dân Trung Quốc có mục đích đi du lịch quốc tế sẽ được nối lại từ ngày 8/1.
Theo The Epoch Times, kể từ khi những thông báo này được công bố, chủ đề hàng đầu trên mạng xã hội Trung Quốc là “Cuối cùng tôi cũng có thể ra nước ngoài” sau gần ba năm hạn chế đi lại.
Dữ liệu từ các trang web du lịch cho thấy người dân Trung Quốc đang đổ xô đặt các chuyến đi nước ngoài.
Nền tảng du lịch Trung Quốc Tongcheng Travel đã công bố dữ liệu vào ngày 27/12, cho thấy số lượt tìm kiếm thị thực đi nước ngoài tăng gấp 10 lần và lượng tìm kiếm vé máy bay quốc tế tăng 850%.
Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore, Malaysia, Úc và Vương quốc Anh nằm trong số những điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất.
Việc mở lại biên giới diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với đợt bùng phát COVID-19, mà theo ước tính của chính quyền nước này, đã lây nhiễm cho 248 triệu người trong 20 ngày đầu tiên của tháng 12. Phân tích của các nhà nghiên cứu Anh cũng dự báo có 167 đến 279 triệu ca nhiễm trên toàn quốc, có thể dẫn đến 1,3 đến 2,1 triệu ca tử vong.
Đầu tháng này, chính quyền cộng sản đột ngột đảo ngược chính sách hà khắc Zero-COVID vốn đã tàn phá nền kinh tế và gây ra đau khổ tột cùng cho hàng trăm triệu người phải chịu đựng các đợt phong tỏa suốt gần ba năm qua.
Nhưng do thiếu sự chuẩn bị cho việc dỡ bỏ chính sách này đã dẫn đến tình trạng các dịch vụ y tế và nhà xác bị quá tải, đồng thời gây ra cảnh thiếu thuốc trầm trọng khi virus vượt khỏi tầm kiểm soát trên khắp đất nước.
Lây nhiễm toàn thế giới
Ông Lâm Hiểu Húc (Sean Lin), một nhà virus học và cựu giám đốc phòng thí nghiệm thuộc khoa bệnh truyền nhiễm của Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed, nhận định việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mở cửa đất nước thực sự là một tính toán để mọi người bị nhiễm bệnh, không chỉ ở Trung Quốc, mà trên toàn thế giới, theo The Epoch Times.
“Khi không kiểm soát được ổ dịch, họ đẩy nó ra toàn thế giới. Giống như khi COVID lần đầu tiên bùng phát ở Vũ Hán, những người đã bị nhiễm bệnh ở Vũ Hán được phép đi du lịch khắp thế giới. Cách làm bây giờ cũng giống như trước đây,” ông nói.
COVID bùng phát lần đầu tiên vào khoảng mùa thu năm 2019 tại Vũ Hán, thành phố có 11 triệu cư dân ở miền trung Trung Quốc. Theo thị trưởng Vũ Hán lúc bấy giờ, trước khi thành phố bị phong tỏa vào ngày 23/1/2020, hơn 5 triệu người đã rời khỏi thành phố mà không được xét nghiệm. Trong đợt phong tỏa đầu tiên của Trung Quốc vào tháng 1, ĐCSTQ đã cấm du lịch trong nước nhưng vẫn để ngỏ du lịch quốc tế, nghĩa là một lượng lớn người mang virus có thể gieo mầm bệnh trên toàn thế giới.
Ông Lâm chỉ ra sự thiếu minh bạch của chính quyền trong bối cảnh đợt bùng phát mới nhất, một hành vi nhất quán suốt ba năm qua trong đại dịch.
Ông nói: “ĐCSTQ không chia sẻ dữ liệu và cộng đồng quốc tế không biết có bao nhiêu biến thể virus khác nhau đang lây lan ở Trung Quốc và liệu có những ca nhiễm phức hợp nào khác hay không”.
“Trong hoàn cảnh như vậy, việc ĐCSTQ để người dân rời khỏi đất nước vốn là một ổ dịch lớn là vô cùng vô trách nhiệm. Nói cách khác, nó có một mục đích cực kỳ nguy hiểm và rất thâm độc.”
Số ca nhiễm và số ca tử vong chính thức của chính quyền kể từ khi dỡ bỏ chính sách hạn chế COVID-19 đã thu hút sự hoài nghi. Quốc gia này chỉ ghi nhận 8 trường hợp tử vong do COVID trong tháng 12, một con số mâu thuẫn với các báo cáo ngày càng nhiều về các lò hỏa táng trên cả nước hoạt động quá công suất.
Các quan chức y tế cấp tỉnh và thành phố cũng báo cáo hàng triệu ca nhiễm bệnh trong khu vực của họ, trái ngược với con số chính thức ở cấp quốc gia.
Trong bối cảnh quốc tế giám sát chặt chẽ dữ liệu virus của chính quyền Trung Quốc, Ủy ban Y tế Quốc gia đã thông báo vào ngày 25/12 rằng họ sẽ dừng công bố dữ liệu về các trường hợp nhiễm COVID hoặc số liệu tử vong. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho biết vào ngày 27/12 rằng họ sẽ công bố dữ liệu đó mỗi tháng một lần.
Cho đến nay để đối phó với sự bùng phát, Ấn Độ và Nhật Bản đã thắt chặt kiểm soát biên giới bằng cách bắt buộc xét nghiệm COVID đối với du khách đến từ Trung Quốc.
Trong khi đó, Washington vào ngày 28/12 cũng thông báo sẽ bắt buộc xét nghiệm COVID -19 đối với tất cả khách du lịch đến từ Trung Quốc. Cụ thể, bắt đầu từ ngày 5/1, tất cả hành khách đi máy bay từ 2 tuổi trở lên sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 không muộn hơn hai ngày trước khi khởi hành từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông hoặc Macao, bất kể quốc tịch hay tình trạng tiêm chủng.
Thay đổi tên của Covid-19
Chính quyền Trung Quốc cũng đã thông báo vào thứ Hai rằng họ đang hạ cấp các biện pháp kiểm soát COVID từ cấp cao nhất xuống cấp thứ hai. Sự phân loại này đã loại bỏ một cách hiệu quả việc biện minh cho các biện pháp nghiêm ngặt Zero COVID của Trung Quốc.
Cùng với động thái này, Bắc Kinh đã thay đổi tên của COVID-19 từ “bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới” thành “bệnh nhiễm trùng do virus corona chủng mới”.
Theo ông Lâm, việc thay đổi tên này là một nỗ lực của ĐCSTQ nhằm hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch bệnh.
ĐCSTQ đã đổi tên COVID-19 “vì có quá nhiều người đã bị nhiễm virus và phát triển bệnh viêm phổi nặng, có biểu hiện là những mảng màu trắng trong phổi của họ; và nhiều người cần nhập viện, có các triệu chứng nghiêm trọng và thậm chí nhiều người đã tử vong”.
“Tuy nhiên, ĐCSTQ không muốn thừa nhận rằng những người này đã bị nhiễm và mắc bệnh ‘viêm phổi do virus corona’ [COVID] nên đã đổi tên,” ông nói thêm.
Điều này sẽ khiến chế độ này dễ dàng tiếp tục nói rằng cái chết của những người này có thể do mầm bệnh khác hoặc các bệnh lý nền khác gây ra. “Nó có thể loại trừ những trường hợp tử vong này khỏi dữ liệu tử vong do COVID,” ông Lâm nói.
“Nhưng tôi nghĩ mục đích cơ bản của nó là che giấu ba dữ liệu chính: tỷ lệ nhập viện, tỷ lệ triệu chứng nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong.”
Chính quyền Trung Quốc tuần trước đã thu hẹp đáng kể định nghĩa về tử vong do COVID bằng cách chỉ tính những ca chết do viêm phổi và suy hô hấp sau khi mắc COVID, một sự thay đổi được các chuyên gia về dịch bệnh chỉ trích rộng rãi . Theo cách mới này, các trường hợp tử vong do biến chứng tại các vị trí khác trong cơ thể hoặc các bệnh lý nền trở nên trầm trọng hơn do COVID sẽ không được tính.
Có thể bạn quan tâm: