Vợ chồng ông Long nhặt ve chai ở miền Tây nhặt được tiền tỷ đã trả lại cho người phụ nữ đánh rơi. Có người bàn tán cho rằng ông bà khờ khạo. Còn ông bà coi việc trả lại tiền như một điều tất nhiên “của ai phải trả lại cho người đó”.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Long (55 tuổi) và bà Đoàn Thị Tám Em sống cùng cháu ngoại 6 tuổi; trong một căn nhà tôn cũ kỹ nằm giữa trung tâm thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Theo báo Thanh Niên, hoàn cảnh của vợ chồng ông Long khó khăn. Mỗi buổi tối, ông bà đi bộ quanh các tuyến đường nội ô TP.Cao Lãnh nhặt ve chai. Sau khoảng 2 – 3 tháng, ông bà gom góp ve chai nhặt được mang đến các vựa phế liệu.

Vợ chồng ông Long sống chủ yếu bằng nghề nhặt ve chai (ảnh chụp màn hình báo Người lao động).

Ngoài ra, chủ quán cà phê kế bên nhà thuê ông Long ngủ giữ quán trong thời gian từ 22 giờ đến sáng. Hôm nào rảnh thì ông Long đi chài cá. Tuy cuộc sống không phải dư dả nhưng căn nhà nhỏ luôn vui vẻ, đầm ấm.

Vợ chồng ông Long nhặt được tiền tỷ như thế nào?

Khoảng 3 tháng trước, trong một lần đi rải mồi cá ven sông Đình Trung về nhà, ông Long nhặt được một túi xách màu nâu đựng tiền. Túi đó của một người phụ nữ đánh rơi, ông phát hiện ra và cố chạy theo gọi nhưng người phụ nữ này chạy nhanh quá.

Bà Tám Em nói với Doanh nghiệp và Tiếp thị “Hôm đó, ổng đi chài cá về cầm theo cái túi xách, ổng kêu lượm được rồi treo ở cái cổng này nè, xong ngồi đó canh luôn. Ổng bảo lát nữa không có ai đến nhận thì đem lên phường, chừng một tiếng sau thì có người đến xin lại, người ta mừng dữ lắm”, bà Tám Em nhớ lại.

Đó là em trai của người phụ nữ đi tìm, thấy cái túi ông treo trước nhà có ý xin lại. Ông bèn bảo phải gọi người phụ nữ chạy xe lúc nãy, nói đúng số tiền trong túi mới cho nhận dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Trước đó ông Long còn chưa hề mở túi xách ra xem, chỉ khư khư giữ túi đợi người đánh rơi đến xin lại.

Ông Long và bà Tám Em nghĩ gì?

Ông Long vui vẻ nói: “Lúc cô ấy đến rồi điện thoại cho bà trưởng công an phường; kiểm tra tiền thì trong túi toàn giấy 500 ngàn không à, nghe đâu hơn cả tỷ lận. Tui nhặt về chứ hông dám mở ra, cũng nghĩ bụng có đồ giá trị trong đó; nhưng nó có phải của mình đâu, của người ta mà, quan tâm làm gì”.

Sau đó UBND phường 1, rồi TP. Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp mời lên tặng giấy khen. Nhiều người hỏi vợ chồng ông Long về việc tốt đẹp đã làm, hai ông bà chỉ cười hiền khô vì cho rằng việc này đâu có gì to tát.

Giấy khen tặng nghĩa cử cao đẹp của ông Long.
Giấy khen tặng nghĩa cử cao đẹp của ông Long (ảnh chụp màn hình Kênh 14).

“Nếu người khác lượm được, họ cũng trả như tui thôi. Mình còn con cái, phải để đức cho con; tui không có dám lấy đâu, thà nghèo thì chịu, của ai phải trả lại cho người đó. Ở đây ai cũng biết tui, tui đi chài cá, 2 vợ chồng nhặt ve chai, làm mướn; khổ vậy đó nhưng mà vui, con cái ngoan ngoãn là được rồi”, ông Long tâm sự.

Mặc dù làm được việc tốt nhưng không ít lần, vợ chồng ông Long lại nhận về mình những lời bàn tán. Nhiều người tỏ ra bất ngờ khi 2 vợ chồng đem trả lại số tiền lớn, có người nặng lời còn nói 2 vợ chồng khờ khạo.

Còn bà Tám Em thì quả quyết: “Người ta hỏi tui sao không lấy đi mà trả lại làm gì. Trời ơi, của mình rớt 50 ngàn đã tiếc hùi hụi; huống hồ gì người ta, mình đâu làm vậy được”.

Tấm lòng nhân hậu, tổ ấm thảnh thơi

Ông Long nhớ lại một thời từng đi khắp nơi để hỗ trợ mọi người. Có lần lũ vô, ông không ngần ngại lên đầu nguồn để ứng cứu người dân. Dù nguy hiểm nhưng ông chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Bởi ông nghĩ, làm phước sẽ được phước, sống nghĩa tình sẽ nhận lại sự quý mến, yêu thương.

Dù mỗi ngày phải tất bật cho cuộc sống mưu sinh nhưng chỉ cần quay về tổ ấm; ông Long lại tìm thấy sự thảnh thơi, yên bình trong đó.

Mấy chục năm vợ chồng, ông Long chẳng có gì giá trị để tặng cho bà Tám Em. Căn nhà xập xệ đang ở cũng nhờ phía nhà vợ. Bù lại, ông chẳng rượu chè, cờ bạc; cả đời chỉ biết làm lụng để lo cho vợ, cho con.

Ông Long nghĩ rằng làm phước sẽ được phước, sống nghĩa tình sẽ nhận lại sự quý mến, yêu thương (ảnh chụp màn hình Kênh 14).

Trong căn nhà chật hẹp, bữa cơm của ông bà chỉ đơn giản là ít cá vụn kho tiêu; cùng mớ rau luộc hái đằng trước nhà. Nhưng vợ chồng ông vẫn vui vẻ gắp đồ ăn cho đứa cháu ngoại, cười hạnh phúc.

Có lẽ với ông Long, việc nhặt được tiền tỷ rồi trả lại cho người phụ nữ đánh rơi đã trở thành một kỷ niệm đẹp; nhắc nhớ ông về đạo nghĩa làm phước.

Tuy vật chất thiếu thốn nhưng tấm lòng trọn vẹn; ông bà đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường!